Hội thảo về Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn tại tỉnh Lào Cai

08:39 PM 21/05/2019 |   Lượt xem: 3558 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại hội thảo

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và đồng chí Nguyễn Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND Lào Cai đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 13 tỉnh, TP khu vực Tây Bắc, Bắc miền Trung và lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc UBDT.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã giới thiệu khái quát đặc điểm tình hình và những thành tựu nổi bật của tỉnh Lào Cai trong những năm qua. Trong đó, đặc biệt là kết quả về tỉ lệ giảm nghèo của Lào Cai giảm nhanh, bình quân 5,56%/năm. Đến năm 2018, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn lại là 27,346 hộ, chiếm tỷ lệ 16,25%.

Để có kết quả đó, Trung ương đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ đến đồng bào dân tộc, miền núi; riêng tỉnh Lào Cai có trên 15 chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng DTTS. Nhờ đó, đời sống, trình độ của đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai tăng lên rõ rệt, thể hiện ở một số mặt như: đã hình thành vùng nông nghiệp quy mô lớn (vùng sản xuất chuối, dứa, quế, dược liệu, chè…); thúc đẩy công nghệ sản xuất (kinh doanh trên đất dốc, bón phân, giống, thời vụ canh tác); chất lượng giáo dục, y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, người DTTS được nâng lên rõ rệt; tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã cải thiện; giữ gìn tốt và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương phát biểu tại hội thảo

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, UBDT tiếp tục quan tâm công tác đầu tư, tuyên truyền, chỉ đạo, đánh giá các chính sách về đồng bào dân tộc, miền núi. Đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp thu các nội dung gợi ý để tham gia góp ý Đề án có hiệu quả.

Tại Hội thảo, ông Bùi Văn Lịch - Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (UBDT) đã trình bày tóm tắt dự thảo Đề án tổng thể. Theo đó, Đề án nêu rõ sự cần thiết ban hành, căn cứ xây dựng; thực trạng KT-XH vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn. Mục tiêu tổng quát là nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân, gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng kết nối với các vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai tham gia góp ý tại hội thảo

Nội dung chính sách đầu tư ở 3 lĩnh vực lớn là phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng. Đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đặc biệt đổi mới mạnh trong việc phân định lại vùng DTTS và miền núi; tổng hợp toàn bộ chính sách lại thành 11 nghị định của Chính phủ; phân bổ vốn; thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương. Đề án cũng phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức thực hiện và những kiến nghị đề xuất.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao các nội dung của dự thảo Đề án. Tuy nhiên, một số ý kiến góp ý cho rằng, cần đánh giá thêm thực trạng về thiết chế văn hóa và đưa ra mục tiêu cụ thể về văn hóa ở các vùng này. Bổ sung các giải pháp về công tác giám sát đối với các chính sách, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; chăm lo phát triển giao thông cho các bản, làng; quan tâm chính sách cho các nghệ nhân người DTTS. Tính toán mục tiêu cụ thể cho phù hợp; có thể xem xét việc lồng ghép mục tiêu truyền thông về giảm nghèo, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở với mục tiêu của Đề án…

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh ghi nhận, tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Tổ Biên tập nghiêm túc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án.

(laocai.gov.vn)