Xây dựng Khung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc

04:41 PM 10/02/2017 |   Lượt xem: 3879 |   In bài viết | 

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại cuộc họp, đại diện Ban soạn thảo chương trình đã trình bày khái quát nội dung Khung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc. Theo đó, Khung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc gồm 15 chuyên đề: Những quyết sách từ Đại hội Đảng lần thứ XII và nhiệm vụ công tác dân tộc trong đoạn mới; kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đối với vùng đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững; xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và những tác động, ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; thực hiện giảm nghèo đa chiều, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững; thực trạng và giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở một số vùng DTTS&MN hiện nay; vấn đề đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân tộc hiện nay; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với chiến lược phát triển vùng DTTS&MN; phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường ở vùng DTTS&MN; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN trong bối cảnh hội nhập kinh tế, văn hóa thế giới; phát huy sự tham gia của người dân trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc; phát triển cộng đồng dựa vào nguồn lực địa phương; kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào ở vùng DTTS&MN; kỹ năng tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng; kỹ năng khảo sát, đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia.

Đóng góp ý kiến vào Khung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc các đại biểu đều tập trung vào các nội dung: Thể thức, cách trình bày, kết cấu, đối tượng, phạm vi, cách thực hiện của Chương trình và nội dung cụ thể của từng chuyên đề.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự vào nội dung chương trình. Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Chương trình, trong đó Thứ trưởng lưu ý đến một số vấn đề như:  Điều chỉnh tên chương trình cho phù hợp (Chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc); xây dựng mẫu khung chương trình theo đúng chuẩn; điều chỉnh đối tượng cho phù hợp, tập trung vào cán bộ làm công tác dân tộc trong toàn hệ thống; kết cấu chương trình phải có chuyên đề bắt buộc, chuyên đề lựa chọn và chuyên đề báo cáo; lưu ý cấu trúc tất cả các chuyên đề phải thống nhất với nhau; chương trình phải cập nhật các thông tin, chính sách mới; chuẩn hóa các từ ngữ được sử dụng...

Kim Thu