Xây dựng tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020

04:35 PM 09/08/2016 |   Lượt xem: 3922 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Đinh Quế Hải phát biểu tại Hội thảo

Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 cho thấy, qua 5 năm thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi đã đạt được những kết quả nhất định, khoảng cách phát triển giữa nhóm xã khu vực III với các nhóm xã khác đã được thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, vùng dân tộc và miền núi hiện nay vẫn là vùng chiếm tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện về cơ sở vật chất còn yếu kém, đời sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của các địa phương, các tiêu chí quy định tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg là phù hợp với điều kiện thực tế. Song do Việt Nam đã chuyển từ tiếp cận nghèo đơn chiều sang đa chiều và đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 19/11/2015), vì vậy xây dựng lại tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp với tình hình hiện nay là cần thiết.

Toàn cảnh Hội thảo

Việc xây dựng tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020 tiếp tục thực hiện phân loại xã theo 03 khu vực dựa trên mức độ khó khăn và trình độ phát triển của các xã nhằm thực hiện xây dựng các chính sách phù hợp với từng khu vực. Tiêu chí xác định thôn ĐBKK được lựa chọn theo tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là tiêu chí chính, đồng thời bổ sung các tiêu chí phụ khác phản ánh được mức độ khó khăn của thôn để xác định thôn ĐBKK. Tiêu chí để phân loại xã lấy cơ sở chủ yếu là tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 và tỷ lệ thôn ĐBKK trên địa bàn xã, đây là tiêu chí bắt buộc, đồng thời bổ sung một số tiêu chí cơ bản khác phản ánh được trình độ phát triển của xã.

Tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020 cơ bản kế thừa các tiêu chí giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, mức độ nghèo, cận nghèo sẽ sử dụng chuẩn nghèo đa chiều đồng thời loại bớt một số chỉ tiêu không còn phù hợp với tình hình thực tế hoặc khó đo đếm, kiểm tra.

Tiêu chí giai đoạn 2016-2020 cũng có một số thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi ở các địa phương. Đối với các thôn, xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thấp hơn sẽ xét thêm các yếu tố đặc trưng của vùng dân tộc và miền núi để đảm bảo sự phát triển. Riêng đối với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của thôn, xã để xác định là thôn, xã ĐBKK cần quy định thấp hơn các vùng khác do quy mô số hộ cao gấp 2 đến 3 lần so với các vùng khác.

Các tiêu chí sẽ được áp dụng với các thôn, bản, làng, xóm, ấp, tổ dân phố… thuộc vùng dân tộc và miền núi, vùng đồng bằng có đông đồng bào DTTS sống thành cộng đồng; các xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc và miền núi, vùng đồng bằng có đông đồng bào DTTS sống thành cộng đồng.

Đại diện các Bộ, ngành Trung ương tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu thể hiện sự đồng tình, nhất trí với việc xây dựng tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020 và đề nghị: Việc xây dựng các tiêu chí nên bám sát Quyết định số 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các tiêu chí phải đảm bảo nguyên tắc dễ hiểu, dễ hướng dẫn và dễ thực hiện; việc quy định lại tỷ lệ hộ DTTS phải phù hợp với tình hình thực tế, nên phân theo vùng; cần chỉ rõ đối tượng, phạm vi áp dụng các tiêu chí trong quyết định; xem xét lại việc sử dụng số liệu tuyệt đối trong dự thảo; cân nhắc bổ sung các xã, thôn thuộc đường biên giới…

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Đinh Quế Hải nhấn mạnh: Việc xây dựng chính sách phải triển khai từ dưới cơ sở lên, lấy ý kiến tham khảo từ cơ sở và phải gắn với đời sống thực tế của người dân để dễ dàng triển khai thực hiện. Việc xây dựng các tiêu chí cần được tiếp tục nghiên cứu đảm bảo cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn để tìm ra phương hướng phù hợp nhất, chung nhất. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cũng hoan nghênh và ghi nhận toàn bộ các ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo báo cáo, tờ trình và quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 9/2016.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn, trong thời gian hoàn thiện đề án, UBDT tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành trong việc xây dựng các tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020.

Ngọc Ánh - Sơn Nam