Họp Tổ soạn thảo Xây dựng Đề án “Tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS các cấp”
02:48 PM 03/04/2018 | Lượt xem: 8907 In bài viết |Ngày 03/4/2018, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), Tổ soạn thảo Xây dựng Đề án “Tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ III năm 2019 và Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II năm 2020” (gọi tắt là Đề án) đã tổ chức họp, góp ý kiến cho Dự thảo Đề cương Đề án và thống nhất phân công nhiệm vụ thành viên Tổ soạn thảo. Đồng chí Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án chủ trì buổi họp. Cùng dự có các thành viên của Tổ soạn thảo là đại diện một số Bộ, ngành Trung ương, đại diện một số vụ, đơn vị trực thuộc UBDT.
Tại buổi họp, các thành viên tham dự đã được nghe công bố Quyết định thành lập Tổ soạn thảo Đề án, phân công nhiệm vụ cho thành viên Tổ soạn thảo và Dự thảo Đề cương Đề án. Theo Đề cương Đề án, việc tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ III năm 2019 và Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II năm 2020 để tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong công tác dân tộc; phát huy, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tôn vinh công lao to lớn của đồng bào các DTTS và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Đại hội là dịp để khẳng định và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II năm 2020 sẽ được tổ chức cuối quý I, đầu quý II tại Hà Nội, dự kiến có từ 1.700 - 2.000 đại biểu chính thức là người DTTS đại diện cho 53 DTTS Việt Nam thuộc các ngành, lĩnh vực, lứa tuổi, giới tính, thành phần… Trong khuôn khổ Đại hội, sẽ có các hoạt động gặp mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gặp gỡ, đối thoại, giao lưu; tổ chức tham quan thực tế tại Hà Nội và một số địa phương; giao lưu văn hóa, văn nghệ…
Đối với Đại hội đại biểu cấp tỉnh, huyện: Căn cứ điều kiện cụ thể của từng tỉnh, số lượng đại biểu chính thức không quá 250 người; Đại hội cấp huyện không quá 150 người. Dự kiến tổ chức Đại hội cấp huyện trong 01 ngày, từ quý I đến quý III năm 2019; Đại hội cấp tỉnh tổ chức trong 02 ngày, từ quý II đến quý IV năm 2019.
Tại buổi họp, các đại biểu đồng tình, nhất trí cao với việc tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS và cho rằng đây là hoạt động rất ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn trong việc thúc đẩy, cổ vũ, động viên đồng bào các DTTS. Các ý kiến đề xuất, góp ý cho Dự thảo Đề cương Đề án tập trung vào một số nội dung như: căn cứ pháp lý, tiêu chí, cơ cấu, số lượng, thành phần tham dự, công tác hiệp y trong lựa chọn đại biểu, các hình thức khen thưởng và các nội dung, kế hoạch tổ chức, công tác truyền thông…
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải khẳng định: Đại hội đại biểu các DTTS là sự kiện chính trị quan trọng của 53 DTTS Việt Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Cần phát huy các bài học kinh nghiệm của công tác tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ Nhất năm 2010 và Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện năm 2014. Đặc biệt lưu ý khi xây dựng tiêu chí lựa chọn đại biểu, việc phối hợp với Mặt trận tổ quốc các cấp trong việc bình chọn đại biểu, chú trọng hơn công tác truyền thông để tạo sự lan tỏa.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải thay mặt Tổ soạn thảo Đề án tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại buổi họp và đề nghị các thành viên Tổ soạn thảo phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Dự thảo, trình Lãnh đạo UBDT, gửi các Bộ, ngành, địa phương xin ý kiến hoàn thiện Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
Việt Cường