Thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đến cán bộ chủ chốt

10:22 PM 15/05/2017 |   Lượt xem: 7718 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến thông báo về kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII).

Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Nông Quốc Tuấn, Hà Hùng, Phan Văn Hùng,  Ủy viên BCH Đảng bộ; tập thể lãnh đạo các Vụ, đơn vị; Bí thư, Phó Bí thư, Chi ủy viên các tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ; Ban thường vụ các tổ chức đoàn thể cơ quan Uỷ ban. Vụ Địa phương II, III và Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh tham dự qua hệ thống họp trực tuyến.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã thông báo nhanh đến cán bộ chủ chốt trong toàn cơ quan Ủy ban về kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII). Theo đó, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã họp để thảo luận, cho ý kiến về: Đề án "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; Đề án "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước"; Đề án tổng kết 15 năm (2002-2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân"; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng năm 2016 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2016 và xem xét thi hành kỷ luật cán bộ.

Cũng tại Hội nghị, cán bộ chủ chốt đã được nghe Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo,Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu về một số đặc trưng, tác động tiềm năng và hàm ý chính sách của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và từng địa phương; đặc biệt phân tích cụ thể những thách thức và cơ hội Việt Nam cần nắm bắt và lựa chọn đi đúng hướng, bắt đúng nhịp để tận dụng cơ hội và vượt lên thách thức do tác động của CMCN 4.0. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano ,… với nền tảng là các đột phá của công nghệ số.

Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo,Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu về CMCN 4.0.

Kim Thu