Tiếp tục đổi mới công tác dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

05:25 AM 24/01/2017 |   Lượt xem: 18769 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Cơ quan công tác dân tộc (03/5/1946 - 03/5/2016)

PV: Đầu tiên, xin được trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã trả lời phỏng vấn.

Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã đi qua năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2016-2020. Với lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT, chúng ta đã đạt được những thành tựu gì?

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm  Đỗ Văn Chiến: Những năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, lĩnh vực CTDT đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nhất là từ khi Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT đã huy động được sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Sau 5 năm thực hiện, vùng DTTS và miền núi đã được bố trí 135.879,5 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực giảm nghèo. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn khu vực là 35% thì đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 16,8%. Kết thúc giai đoạn 2011-2015, có 80 xã ĐBKK (ở 23 tỉnh) và 366 thôn, bản ĐBKK (của 30 tỉnh) hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135. Trật tự, an toàn xã hội được ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các DTTS đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn đối với CTDT, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS…”.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, UBDT đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội (Quyết định số 236/QĐ-UBDT ngày 23/5/2016). Bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBDT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan vừa thực hiện công tác tổng kết, đánh giá lại các CSDT giai đoạn 2011-2015, vừa thực hiện điều tra, đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội của 53 DTTS đến từng xã, từng dân tộc, lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách.

Trong năm 2016, UBDT đã nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành CSDT giai đoạn 2016-2020. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách rất quan trọng cho vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020. Ngoài những chính sách nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS và miền núi như: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025; Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK; Chính sách bảo vệ phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2016-2020;… 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến trao quà cho đại biểu người có uy tín tiêu biểu của Tp.Hà Nội

PV: Như vậy, nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi là không hề nhỏ. Nhưng vì sao đây vẫn là vùng khó khăn nhất, thưa Bộ trưởng?

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm  Đỗ Văn Chiến: Nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS và miền núi thời gian qua tuy lớn, nhưng không tập trung mà phân tán trong rất nhiều chương trình, dự án, đề án. Hơn nữa, rất nhiều chính sách do điều kiện kinh tế của đất nước nên chưa được bố trí đủ vốn theo thiết kế. Ngoài Chương trình 135 được bố trí đủ vốn (16.762 tỷ đồng), các chính sách còn lại chỉ cân đối được hơn một nửa vốn được phê duyệt.

Qua tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện CSDT giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã xác định rõ một số vướng mắc, bất cập và đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế trong giai đoạn tiếp theo.

 Cũng cần thấy rằng, vùng DTTS và miền núi gồm 5.259 xã, ở 457 huyện, thuộc 52 tỉnh, thành phố, với gần 14 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước, đồng bào lại sinh sống chủ yếu ở những nơi khó khăn nhất (trên 8 triệu người DTTS sống ở vùng biên giới). Mặc dù dân số chỉ chiếm khoảng 1/6 nhưng địa bàn sinh sống lại chiếm 2/3 diện tích cả nước, trong điều kiện địa hình bị chia cắt, giao thông cách trở. Đây chính là những lực cản rất lớn trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến thăm hỏi các em học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc

PV: Xin Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, lĩnh vực công tác dân tộc sẽ gặp phải những thách thức gì?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm  Đỗ Văn Chiến: Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi thì vùng DTTS và miền núi sẽ đứng trước nhiều khó khăn: tình trạng nghèo đói, thiếu việc làm, thu nhập thấp; thiên tai, dịch bệnh; tỷ lệ trẻ em bỏ học cao; một số phong tục tập quán lạc hậu... Mặc dù các cấp, các ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, hiệu quả chính sách thấp; khoảng cách giữa vùng khó khăn với vùng phát triển ngày càng dãn ra. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đây là những vấn đề đặt ra đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp tháo gỡ, khắc phục.

 Ngoài ra, cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư đã mở ra cho nhân loại thời cơ phát triển mới, nhiều khu vực, ngành nghề sẽ phát triển mạnh mẽ, nhưng vùng DTTS và miền núi với trình độ dân trí thấp, không đồng đều, hạ tầng công nghệ thông tin thấp kém cũng sẽ là lực cản lớn, nguy cơ vùng DTTS và miền núi ngày càng chậm phát triển là hiện hữu.

PV: Theo Bộ trưởng, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp gì?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến: Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, chúng ta phải tiếp tục đổi mới CTDT một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Việc đổi mới CTDT được thể hiện trong  xây dựng, ban hành cũng như thực hiện CSDT phù hợp tình hình mới. Vùng DTTS và miền núi vẫn rất cần các chính sách đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế-xã hội nhưng nội dung và cách thực hiện các chính sách mới phải được xây dựng theo hướng: Chuyển từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng; tăng cho vay, giảm cho không; hỗ trợ có điều kiện, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào… Để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi  một cách bền vững, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng. Vì vậy, cần phải đổi mới phương thức đào tạo cử tuyển  theo hướng cấp tỉnh quyết định ngành nghề và bố trí sau khi đào tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cũng phải đổi mới theo hướng lấy hiệu quả làm trọng, quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để phổ biến, nhân rộng; chú trọng xây dựng đội ngũ người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng các dân tộc, làm hạt nhân củng cố, xây dưng khối đại đoàn kết các dân tộc, chung tay xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Thời gian tới, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo UBDT sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch tham mưu cho Trung ương Đảng và Chính phủ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về vấn đề dân tộc. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề nghị xây dựng Luật hỗ trợ đầu tư phát triển vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời xây dựng kế hoạch tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới được ban hành.

PV: Nhân dịp năm mới 2017, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến: Năm mới đến, bên cạnh những niềm vui, những thành quả đã đạt được thì vẫn còn nhiều bộn bề lo toan, nhưng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, năm 2017, lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT sẽ đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.

Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và  kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, UBDT sẽ quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động  thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành cần nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu nâng cao hiệu quả công tác CTDT và thực hiện CSDT, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo.

Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo UBDT, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi. Chúc bà con các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc năm mới thắng lợi mới!

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Lê Tuấn Hà