Bình Định: 100% cơ quan, đơn vị vùng đồng bằng kết nghĩa với các thôn, làng vùng đồng bào DTTS

11:00 AM 28/06/2023 |   Lượt xem: 4662 |   In bài viết | 

Tỉnh Bình Định đang tập trung nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa với vùng đồng bào DTTS

Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 10/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về “Tăng cường hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị vùng đồng bằng với các địa phương vùng đồng bào DTTS” và Công văn số 378/UBND-TH ngày 21/01/2019 của UBND tỉnh về việc giới thiệu, phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vùng đồng bằng kết nghĩa với các thôn, làng vùng đồng bào DTTS.

Sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, thay thế, đến nay 235/235 cơ quan, đơn vị (trong đó có 116 cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp và 119 doanh nghiệp) được giới thiệu, phân công đã đến kết nghĩa với 119 làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ 100%).

Hoạt động kết nghĩa không chỉ dừng lại ở hỗ trợ vật chất đơn thuần, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị vùng đồng bằng với các địa phương vùng DTTS là phải tạo ra chuyển biến rõ rệt trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS.

Bằng những cố gắng, nỗ lực của mình, nhiều đơn vị kết nghĩa đã để lại dấu ấn trong lòng bà con ở các buôn làng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kết nghĩa vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Các cơ quan, đơn vị chưa coi trọng việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể; giúp đỡ củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và xây dựng các đoàn thể vững mạnh.

Vì vậy thời gian đến, để hoạt động kết nghĩa thực sự phát huy hiệu quả, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giảm nghèo bền vững; xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Mặt khác, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, đơn vị được giới thiệu, phân công kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền các huyện miền núi, trung du; kịp thời sơ kết, biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị làm tốt, đồng thời phê bình, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị thực hiện hình thức, cần thiết thay thế các cơ quan, đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Từ đó góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh.

(baodantoc.vn)