Lào Cai: Tăng cường giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết

08:55 AM 29/01/2021 |   Lượt xem: 2700 |   In bài viết | 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động là một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng chống tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống

Triển khai nhiều giải pháp

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, luôn là vấn đề xã hội khá phức tạp trên địa bàn tỉnh miền núi Lào Cai. Sau 5 năm triển khai Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các địa phương đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, phát huy vai trò của trưởng thôn, bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia công tác tuyên truyền, vận động xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân .

 Đơn cử như huyện Mường Khương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương tổ chức hơn 50 buổi truyền thông cho hơn 1.300 người dân, phát hơn 500 tờ rơi và duy trì các hoạt động tuyên truyền, tư vấn tại 16 mô hình phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Trong khi đó, tại huyện Bát Xát, 25/25 mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được ngành chức năng duy trì. Đồng thời, địa phương cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông... đến các đối tượng người dân Qua đó, góp phần giảm các vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn.

“Huyện đã phối hợp với ngành viễn thông, triển khai nhắn tin tuyên truyền không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tới các bé gái trong độ tuổi 13 đến dưới 18, nhờ vậy đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn hơn 60 trường hợp có biểu hiện chung sống với nhau như vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn; đồng thời vận động các cháu quay lại trường tiếp tục học tập”, ông Lý Việt Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát cho biết.

Công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục

Năm 2020, toàn tỉnh Lào Cai ghi nhận gần 300 trường hợp tảo hôn (giảm gần 40 trường hợp so với năm 2019) và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình trạng tảo hôn có xu hướng gia tăng trở lại. Nguyên nhân chính, là do từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thời gian học sinh được nghỉ giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến việc cha mẹ và gia đình buông lỏng phối hợp với nhà trường trong quản lý, giáo dục nâng cao nhận thức cho con. 

Bên cạnh đó, là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán để lại. Đối với đồng bào DTTS, việc kết hôn sớm xuất phát từ nhu cầu cần người để làm việc, đây là yếu tố góp phần gia tăng tỷ lệ kết hôn sớm.

Ngành chức năng kết hợp phát tờ rơi khi người dân tới khám chữa bệnh tại cơ sở y tế

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh thông tin: Cơ bản người dân đã chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, kết hôn đúng và đủ tuổi. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm tra, đánh giá để sớm phát hiện, ngăn chặn vấn đề này tại một số địa phương vẫn còn. Khi phát hiện được thì chưa kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, dẫn đến có thời điểm tình trạng tảo hôn còn xảy ra.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tại những vùng này là nhiệm vụ khó khăn. Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình cần triển khai thường xuyên, liên tục. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện để ngăn chặn các hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngay từ cơ sở.