Ninh Thuận: Gần 730 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

04:01 PM 14/03/2022 |   Lượt xem: 2140 |   In bài viết | 

Mô hình liên kết sản xuất măng tây xanh tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) giúp nhiều hộ đồng bào Chăm phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt và sản xuất, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên vừa ký ban hành Kế hoạch số 890/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn đến năm 2025.

Chương trình tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn với tổng kinh phí dự kiến thực hiện gần 730 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương đóng góp 640 tỷ đồng, ngân sách địa phương 60,4 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác là 65,5 tỷ đồng.

Một trong những mục tiêu chính đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu 100% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; 80% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; hỗ trợ ít nhất một thành viên hộ nghèo trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, tỉnh phấn đấu tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; khoảng 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; có 797 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở an toàn, ổn định.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1,5-2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, tỉnh đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhằm hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, hỗ trợ huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Để đạt mục tiêu đề ra, chương trình giảm nghèo của tỉnh sẽ tập trung thực hiện với 7 dự án thành phần gồm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin và nâng cao năng lực cho người làm công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành địa phương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình một cách đồng bộ, hiệu quả, trong đó, tập trung vào một số nội dung chính là các địa phương tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo; việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Các địa phương thực hiện lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; hỗ trợ phát triển sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ phù hợp với từng địa bàn. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển kinh tế.

Các huyện, thành phố đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau;” tăng cường công tác vận động thực hiện trách nhiệm xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội...

Theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận hiện còn 14.208 hộ nghèo, chiếm 7,82%; hộ cận nghèo là 12.887 hộ, chiếm 7,09% so với số hộ toàn tỉnh./.

(vietnamplus.vn)