Góp ý dự thảo chính sách Dự án điều tra, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc

02:44 PM 24/12/2020 |   Lượt xem: 1234 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Nghị định 05/2011/NĐ-CP (NĐ05) ban hành trước khi có Hiến pháp năm 2013. Do đó, cần điều tra, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định nhằm thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp về thực hiện chính sách dân tộc. Đặc biệt, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 với 10 Dự án thành phần, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Vì vậy, cần nghiên cứu toàn diện để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP nhằm đưa ra được các biện pháp quản lý nhà nước đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên.

Qua đánh giá sau gần 10 năm tổ chức thực hiện, NĐ05 bộc lộ một số bất cập, khó khăn, vướng mắc như: Nghị định chưa quy định cơ chế tài chính đảm bảo thực hiện các chính sách; một số khái niệm chưa được giải thích rõ ràng (“Vùng dân tộc thiểu số”, “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, “Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…; một số chính sách trong Nghị định có sự chồng lấn, trùng lặp, chưa rõ, chưa bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, khả thi; tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; một số chính sách không còn phù hợp với tình hình mới…

Ông Hoàng Đức Thành - Vụ trưởng Vụ Pháp chế UBDT phát biểu tại Hội thảo

Ngoài ra, qua rà soát cho thấy, có 324 văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến vùng đồng bào, trong đó phát hiện 10 văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; 19 văn bản có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn; 19 chính sách chưa được ghi nhận hoặc chưa được quy định cụ thể trong NĐ05 và các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.

Vì vậy, việc khảo sát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung NĐ05 để đảm bảo Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật định hướng tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự bày tỏ sự tán thành và đánh giá cao sự cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung NĐ05 trong tình hình mới. Các ý kiến góp ý, thảo luận đi vào cụ thể của những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của hệ thống chính sách dân tộc nói chung, của NĐ05 nói riêng, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của từng nhóm chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành được giao tại Nghị định. Đại diện các Bộ, ngành cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai NĐ05 đối với các Luật chuyên ngành, đồng thời đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung cho NĐ05.

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung NĐ05 cho phù hợp trong quá trình triển khai trong giai đoạn sắp tới.

Một số ý kiến cũng kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc; thảo luận về kết cấu, bố cục các nội dung của dự thảo Báo cáo để Ban chủ nhiệm dự án tiếp tục cập nhật, bổ sung hoàn thiện.

Tổng kết Hội thảo, ông Hoàng Đức Thành - Vụ trưởng Vụ Pháp chế ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo. Yêu cầu Ban chủ nhiệm dự án tiếp thu, cập nhật bổ sung vào dự thảo chính sách Dự án điều tra, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi sau khi hoàn thiện sửa đổi, bổ sung NĐ05.

Xuân Thường