Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 05 về Công tác dân tộc

01:24 AM 01/12/2016 |   Lượt xem: 6258 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội nghị

Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; các Vụ, đơn vị thuộc UBDT; đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; các tỉnh có vùng dân tộc thiểu số và miền núi tham dự qua hệ thống hội nghị trực tuyến

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết

Trình bày báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 05 của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các dân tộc, phát triển KT-VHXH, bảo đảm QPAN, diện mạo vùng DTTS và miền núi đã thay đổi tích cực.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn quan tâm, bố trí 135.879,5 tỷ đồng chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thực hiện chính sách và công tác dân tộc; kết cấu hạ tầng, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, 98% số xã có đường ô tô, trên 90% xã có điện, gần 70% hộ được sử dụng điện; 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trong đó có 80% trường, lớp học được xây kiên cố, 100% xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều xã đạt phổ cập THCS.

Chính sách cán bộ người DTTS cũng được đặc biệt quan tâm. Tính đến ngày 30/6/2014  ở các Bộ, ngành Trung ương, cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là 18.116, chiếm khoảng 5% (nữ giới là 4.757, chiếm 26%), trong đó tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ chức lãnh đạo, quản lý là 2.955 người, chiếm 8,5%. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là 162.120, chiếm khoảng 14,53% (nữ giới là 79.698, chiếm 49,2%). Trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ chức lãnh đạo, quản lý là 10.398, chiếm 17,2%.

Về công tác người có uy tín, UBDT cùng Bộ Công an, các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh cho người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán và Tết của các DTTS; thăm hỏi, trợ cấp khi có khó khăn; tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Cơ quan công an các cấp đã biểu dương, khen thưởng, cấp phương tiện nghe nhìn cho người có uy tín thực hiện nhiệm vụ.

Trong thực hiện chính sách y tế, dân số, đã hỗ trợ bảo hiểm y tế 100% cho người nghèo, đồng bào DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đến năm 2013, 80% số thôn, bản đã có nhân viên y tế, 74,9% số xã có bác sỹ; từng bước củng cố và hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế, trang thiết bị kỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các chính sách về: Bảo tồn và phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch vùng DTTS; ban hành nhiều chính sách về thông tin - truyền thông; bảo vệ môi trường, sinh thái; phổi biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; quan tâm xây dựng, củng cố, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...

Từ những  kết quả đã đạt được,  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh:  Sự ra đời  của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP đã  tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các DTTS  thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng – an ninh; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên, diện mạo vùng DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản theo hướng tích cực. Đây cũng là sự  khẳng định tính đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến báo cáo tại Hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương đã phát biểu tham luận khẳng định những kết quả đạt được và những khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ và có những kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, xác định là trách nhiệm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị được thể hiện bằng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới nay về công tác dân tộc với các nhóm chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định, đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện chính sách của một số Bộ, ngành chưa kịp thời, nhất là về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Chế độ chính sách cho học sinh vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu; mức hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, sinh viên người DTTS còn thấp so với nhu cầu thực tế; thực hiện chính sách cử tuyển còn bất cập; một số xã vùng DTTS và miền núi chưa có trường mầm non; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập ở nhiều địa phương còn thiếu thốn. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở các Bộ, ngành trung ương còn thấp; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS và thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS...

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu: Các Bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, kịp thời ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc hiện hành cho phù hợp với tình hình KT – XH; UBDT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Dân tộc trình Quốc hội ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa 14; phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng một số chính sách mới cho giai đoạn 2016-2021; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường nguồn lực đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi, tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ để đầu tư cho vùng DTTS và miền núi; Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc để đạt được các mục tiêu đặt ra; Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với với các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS trong thời kỳ mới; xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm nhằm nâng cao số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; phối hợp với UBDT nghiên cứu, xây dựng mô hình đặc thù cho Vụ Địa phương II, Vụ Địa phương III và Văn phòng đại diện của UBDT tại Tp.HCM; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho vùng DTTS và miền núi; có chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sỹ tiêu biểu để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với với các Bộ, ngành xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 05/2011/NĐ-CP và các chính sách dân tộc hiện hành; chủ động ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chính sách dân tộc, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH cho các huyện nghèo, xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi, khắc phục đầu tư dàn trải; khuyến khích các địa phương ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt các chính sách; quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

 

Xuân Thường - Tiến Đạt