UBDT nghiệm thu đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu, đề xuất Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030

04:05 PM 03/11/2020 |   Lượt xem: 1523 |   In bài viết | 

Quang cảnh phiên họp của Hội đồng

Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030”, mã số ĐTCB.UBDT.17-19 do TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT là Chủ nhiệm Đề tài; Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc (Học viện Dân tộc) là cơ quan chủ trì thực hiện. Mục tiêu của Đề tài là: Hệ thống hóa, làm rõ cơ sở lý luận, bài học kinh nghiệm về xây dựng chiến lược phát triển, chiến lược CTDT; Đánh giá, làm rõ tình hình thực hiện, kết quả, hạn chế của Chiến lược CTDT đến năm 2020; Đánh giá, làm rõ thực trạng tình hình và dự báo những vấn đề đặt ra về kinh tế, xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới; từ đó, đề xuất cơ sở khoa học, dự thảo nội dung Chiến lược CTDT giai đoạn 2021-2030.

Có thể thấy với 57 đề án, chính sách của Chiến lược CTDT được xây dựng và thực hiện, cùng với hệ thống chính sách có liên quan do các bộ, ngành khác đã và đang thực hiện đã tạo thành hệ thống gồm 118 chính sách dân tộc. Hệ thống các chính sách trên đã tác động toàn diện đến đời sống KT-XH, an ninh, chính trị ở vùng DTTS, góp phần hoàn thành mục tiêu Chiến lược CTDT.

Đề tài đã triển khai đánh giá các kết quả thực hiện Chiến lược CTDT tại một số chỉ tiêu quan trọng như: Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực DTTS; Cơ sở hạ tầng nông thôn vùng DTTS; Văn hóa, xã hội; Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS; Môi trường vùng DTTS...

TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Chủ nhiệm Đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài

Để xây dựng Chiến lược CTDT giai đoạn 2021-2030, Đề tài đề xuất 5 quan điểm, trong đó nhấn mạnh: Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc, quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS; Ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH các vùng DTTS, trước hết tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước... Với các giải pháp cơ bản như: Nâng cao nhận thức về CTDT; Đảm bảo nguồn lực tài chính và cơ cấu lại nguồn lực tài chính để thực hiện Chiến lược; Xây dựng chương trình hành động thực hiện Chiến lược CTDT...

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài có nội dung nghiên cứu rộng, các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao; thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra, trọng tâm là xây dựng Chiến lược CTDT giai đoạn 2021-2030. Đề tài đã thẳng thắn, phản biện trong công tác đánh giá tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của việc thực hiện Chiến lược CTDT thời gian qua. Một số ý kiến đề nghị: trên cơ sở các nhiệm vụ, Đề tài đã đưa ra những giải pháp trọng tâm nhưng cần mạnh dạn đề xuất quan điểm, tư tưởng tiếp cận mới, có yếu tố then chốt, tạo đổi mới đột phá cho xây dựng Chiến lược CTDT giai đoạn tới.