Thông tin thị trường giá cả số 14/2020

10:21 AM 01/04/2020 |   Lượt xem: 4241 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc:

Từng bước được khôi phục

Giao thương qua các cửa khẩu trên tuyến biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc đã và đang từng bước được khôi phục khi diễn biến dập dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vẫn đưa ra khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến để điều tiết kế hoạch xuất khẩu nông sản phù hợp.

Khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu

Theo báo cáo của các địa phương biên giới phía Bắc, trên cơ sở vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy trình chống dịch Covid-19, hiện tất cả các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc đã được hai nước công nhận và 3 cửa khẩu phụ, lối mở đã được khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Các địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn lớn như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai đã sớm thiết lập quy trình “vùng đệm” tại cửa khẩu để phục vụ việc cách ly (người) và khử trùng phương tiện sau khi các doanh nghiệp hai bên vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu và giao nhận sau khi về nước, tuân thủ theo đúng các quy trình phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Thống kê của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc cho thấy, tính từ ngày 5/2/2020 đến hết ngày 19/3/2020, hàng hóa các loại của Việt Nam xuất khẩu qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc sang thị trường Trung Quốc đã thông quan được 24.345 xe. Trong đó, Lạng Sơn thông quan được 10.860 xe; Lào Cai 10.665 xe; Quảng Ninh 1.482 xe; Hà Giang 956 xe; Lai Châu 310 xe; Cao Bằng 72 xe. Tổng số xe hàng hóa nhập khẩu cùng thời gian trên đã được thông quan đạt 23.265 xe.

Tuy nhiên, năng lực thông quan hàng hóa thực tế tại các cửa khẩu vẫn còn rất hạn chế do hai bên vẫn phải bắt buộc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng chống dịch Covid-19. Tại Lạng Sơn, đại diện Chi cục hải quan Cửa khâu Tân Thanh cho biết, trung bình mỗi ngày hiện nay mới thông quan được khoảng từ 130 - 150 xe hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt, phía Trung Quốc hiện tăng cường việc kiểm soát người và phương tiện vận tải của Việt Nam do tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phức tạp hơn. Trong khi đó, lượng xe và hàng hóa xuất khẩu các doanh nghiệp đưa lên biên giới phía Bắc để xuất khẩu ngày càng gia tăng, dẫn tới hiện tượng ùn ứ cục bộ.

Chủ động, bám sát tình hình

Trước diễn biến nêu trên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới có công văn hỏa tốc gửi tới các cơ quan chức năng địa phương liên quan, doanh nghiệp… khuyến nghị: Cần tiếp tục theo dõi sát tình hình để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận và xuất khẩu hàng hóa phù hợp, tránh để phát sinh ùn ứ. Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng có cửa khẩu phía Bắc để triển khai đúng và đầy đủ các hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khi xuất nhập khẩu hàng hóa. Triển khai xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch, tuân thủ tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với Trung Quốc nhằm tận dụng tốt cơ hội thị trường khi phía Trung Quốc phục hồi nhu cầu sản xuất và tiêu dùng khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Các doanh nghiệp logistics (đặc biệt là có kho lạnh) tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản và trái cây về bảo quản các loại trái cây chính vụ thu hoạch đang chờ xuất khẩu, giảm chi phí lưu kho, bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa.

Trên tuyến biên giới phía Bắc, hiện 7/7 cửa khẩu quốc tế: Móng Cái (Quảng Ninh); Hữu Nghị, Ga đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn); Thanh Thủy (Hà Giang); Lào Cai, Ga đường sắt Lào Cai, Kim Thành (Lào Cai) và 4/7 cửa khẩu chính: Hoành Mô (Quảng Ninh); Chi Ma (Lạng Sơn); Tà Lùng (Cao Bằng); Ma Lù Thàng (Lai Châu) cùng 3/17 cửa khẩu phụ, lối mở biên giới: Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn); lối mở Km3+4 (Quảng Ninh) đã khôi phục xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Hậu Giang:

Người trồng dứa gặp khó do hạn, mặn

Trái dứa Hậu Giang (dứa Cầu Đúc) nổi danh khắp nơi bởi hương vị ngọt, thơm ngon và tạo được nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây. Hiện nay, hạn, mặn diễn ra gay gắt khiến hàng trăm héc-ta dứa bị bệnh, năng suất, giá thu mua giảm sâu, người trồng dứa gặp nhiều khó khăn.

Dứa vốn là cây chịu phèn, hạn tốt, vì vậy, trước đây người trồng thường ít tưới nước, bón phân vào mùa khô. Năm nay, ngay từ đầu vụ, ngành chức năng đã khuyến cáo có hạn, mặn khốc liệt nên bà con chủ động tích trữ nước ngọt trong mương để dành tưới cho cây dứa. Tuy nhiên, hầu hết các vườn dứa vẫn thiếu nước do nắng gay gắt kéo dài, nhiều diện tích bị bệnh đỏ lá, chết bụi. Bệnh đỏ lá khi mới xuất hiện chỉ làm vài lá dứa bị đỏ nhưng sau đó làm héo, khô đầu lá dứa rồi lan dần làm chết cả bụi dứa. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ít thị trường tiêu thụ nên giá thu mua dứa hiện nay cũng giảm gần một nửa so với thời điểm trước và trong Tết. Năng suất giảm, giá giảm khiến người trồng dứa Hậu Giang gặp nhiều khó khăn. Trước đây, năng suất dứa trung bình đạt từ 18 - 20 tấn thì bây giờ chỉ thu hoạch khoảng 15 tấn/héc-ta. Giá dứa cũng vậy, chuẩn bị vào mùa mà giá chỉ đạt khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg, trong khi thời điểm trước, giá xấp xỉ 8.000 - 9.000 đồng/kg.

Theo thống kê, trong số hơn 2.400 héc-ta dứa của tỉnh Hậu Giang, hiện đã có gần 350 héc-ta bị bệnh đỏ lá, chết bụi. Nếu không được quản lý và phòng trị kịp thời thì bệnh có thể gây hại từ 25 - 30% diện tích. Trước tình hình này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang khuyến cáo, bà con nông dân tập trung tưới đủ nước cho cây dứa để hạn chế bệnh lây lan. Đối với những hộ có điều kiện nên đầu tư hệ thống tưới phun để thuận tiện trong việc chăm sóc cây dứa trong thời gian tới.

Bạc Liêu:

Giá muối liên tục giảm

Diêm dân tỉnh Bạc Liêu đang tất bật thu hoạch vụ muối năm 2019 - 2020. Vụ muối năm nay được đánh giá có nhiều thuận lợi bởi nắng nóng và độ mặn của nước biển khá cao nên thời gian kết tinh của muối nhanh.

Tuy nhiên, giá muối giảm liên tục từ đầu vụ đến nay khiến diêm dân lo lắng. Hiện giá muối đen dao động từ 600 - 900 đồng/kg, muối trắng từ 900 – 1.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với một tuần trước đó. Một diêm dân huyện Đông Hải cho biết: Vụ muối năm nay, thời tiết thuận lợi đã rút ngắn thời gian muối kết tinh, hạt muối đẹp, năng suất cao. Ước tính trung bình cứ 100 m2 muối trải bạt cho 7 tấn muối/héc-ta/năm. Nhưng với giá muối như hiện nay, sau khi trừ các chi phí, diêm dân không lãi nhiều.

Diện tích sản xuất muối toàn tỉnh Bạc Liêu vụ mùa 2019 – 2020 là 1.548 héc-ta, giảm hơn 100 héc-ta so với cùng kỳ. Trong đó, muối trải bạt 66,7 héc-ta, sản lượng thu hoạch 33.183 tấn (muối trắng 3.307 tấn). Mô hình sản xuất muối trắng trên sân trải bạt là một phương pháp sản xuất muối mới được diêm dân Bạc Liêu áp dụng gần đây và đang được nhân rộng. Đó là cách dùng bạt nhựa để trải trên mặt sân phơi và sản phẩm tạo ra là muối trắng với năng suất cao. So với cách làm truyền thống (sản xuất muối trên sân đất), phương pháp sản xuất mới này đã rút ngắn thời gian kết tinh xuống còn 7 - 9 ngày là thu hoạch muối. Tuy nhiên, phương pháp sản xuất muối dùng bạt nhựa chi phí đầu tư cao và cần sự tham gia hợp tác của các doanh nghiệp.

Muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà đặc trưng, không gây vị đắng khó chịu. Sản phẩm muối Bạc Liêu không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, diêm dân Bạc Liêu vẫn luôn trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa triền miên từ mùa muối này sang mùa muối khác.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Tây Nguyên:

Giá cà phê giảm nhanh

Giá cà phê liên tục giảm những năm qua và thời điểm này đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiện giá cà phê đạt 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá thành là 32.000 - 33.000 đồng/kg. Trong bối cảnh giá phân bón, vật tư, nhân công tăng cao, giá cà phê giảm khiến người trồng thua lỗ. Giá thấp nên bà con trồng cà phê hạn chế bán ra, doanh nghiệp thiếu nguồn cung cho xuất khẩu. Điều này cũng là nguyên nhân khiến nông dân có xu hướng chặt bỏ cà phê để thay thế bằng loại cây khác.

Để giúp các nông hộ vượt qua giai đoạn khó khăn này, một số doanh nghiệp đã cho các hộ sản xuất cà phê ứng trước tiền để chăm bón vườn cây và đảm bảo cuộc sống gia đình, cho ứng 70% giá trị hàng hóa của khách hàng.

Hà Tĩnh: Tiêu thụ thịt gia cầm giảm

Tuần qua, giá gia cầm tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vẫn trong xu hướng giảm, mức tiêu thụ yếu. Cụ thể, giá vịt thịt thương lái thu mua tại chuồng ở mức 25.000 - 26.000 đồng/kg. Giá ngan thịt hiện đang ở mức từ 39.000 đến 55.000 đồng/kg tùy loại non, già. Đặc biệt, nhiều tuần nay, tiêu thụ thịt gia cầm chậm do các cửa hàng, quán ăn mua cầm chừng. Theo tiết lộ của một hộ chăn nuôi, với mức này, người nuôi đang chịu lỗ 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo, dù giá thịt gia cầm chưa tăng thêm nhưng bà con chăn nuôi nên chủ động xuất bán khi đàn vật nuôi đã đủ tuổi. Bà con cũng lưu ý, trong thời gian tới vẫn duy trì sản xuất bình thường và không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H5N6. Bà con có thể điều chỉnh quy mô chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học để bảo đảm an toàn, bền vững cho đàn vật nuôi và thu nhập. Đặc biệt, bà con phải nuôi rải vụ và tập trung tăng sản phẩm vào các tháng mùa thu, mùa đông và giảm về mùa hè. Đối với mùa hè tới, ngay từ bây giờ, bà con nên điều chỉnh sao cho hợp lý nhịp đẻ của gia cầm, tránh dư thừa sản phẩm gây ra khủng hoảng về giá.

Tiêu thụ sắn nguyên liệu sẽ khó khăn

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Phú Yên, ước tính, toàn tỉnh còn tồn 17.000 tấn tinh bột thành phẩm đang lưu kho tại Quy Nhơn (Bình Định). Phú Yên hiện có 2 nhà máy sản xuất tinh bột sắn, mỗi ngày thu mua khoảng 1.200 tấn sắn củ tươi, giá thu mua dao động từ 1.700 đến 2.100 đồng/kg với sắn đạt 30% độ bột. Từ đầu niên vụ 2019 – 2020 đến nay, 2 nhà máy sản xuất ước khoảng 66.000 tấn tinh bột thành phẩm, đã xuất bán được 49.000 tấn, thị trường xuất khẩu là Trung Quốc (chủ yếu), Indonesia, Malaysia, Đài Loan.Với giá sắn và tình hình thu mua hiện tại, sản xuất sắn vẫn đang ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu các nhà máy không xuất được hàng và lượng tồn kho nhiều thì ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sắn nguyên liệu.

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Phú Yên đề xuất, các ngân hàng thương mại tăng vốn vay (cho vay thêm) hoặc giảm lãi suất giúp các nhà máy có nguồn tài chính tiếp tục duy trì sản xuất, chế biến tinh bột sắn.

Hậu Giang:

Dưa hấu không hạt cho thu nhập cao

Hiện nay, ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, dưa hấu không hạt được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 10.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tháng. Nguyên nhân khiến giá dưa hấu tăng là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu giải nhiệt của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế. Do thời tiết thuận lợi nên năng suất dưa trung bình đạt gần 3 tấn/công (1.000 m2), cao hơn 500 kg/công so với các mùa vụ trước. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, bà con thu được lợi nhuận trên 20 triệu đồng/công. Đây là mức lợi nhuận tương đối cao so với các mùa vụ trước.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Vạn Ninh (Khánh Hòa):

Liên kết tiêu thụ tỏi VietGAP

Mấy năm gần đây, tỏi chính là cây trồng giúp nâng cao đời sống vật chất, thu nhập cho người dân xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Chỉ từ vài chục héc-ta tỏi Lý Sơn trồng thử nghiệm, đến nay, xã Vạn Hưng đã có hàng trăm héc-ta và trở thành vùng trồng tỏi lớn nhất tỉnh.

Nhận thấy đây là cây trồng có thể làm thay đổi cuộc sống của người dân, các cấp chính quyền huyện Vạn Ninh đã vào cuộc. Những ruộng tỏi kiểu mẫu được hình thành, hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước ở vùng khô hạn này được đầu tư. Đến nay, toàn xã Vạn Hưng có 3 thôn trồng nhiều tỏi gồm: Xuân Đông, Xuân Vinh và Xuân Tây với diện tích 150 héc-ta, chiếm trên 70% diện tích trồng tỏi trên địa bàn huyện (trên dưới 200 héc-ta). Giá tỏi tươi hiện nay dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/héc-ta. Vào vụ thu hoạch, cây tỏi còn giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với việc cắt tỉa lá, phân loại, đóng bao và đưa đi tiêu thụ. Bình quân 1 công lao động được trả từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày.

Đặc biệt, hơn 20 héc-ta tỏi đã được đưa vào mô hình chuỗi cung cấp tỏi an toàn theo chuẩn VietGAP do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Khánh Hòa phối hợp với UBND các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai. Đến năm 2018, diện tích tỏi này đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, mở ra hàng loạt liên kết tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh Khánh Hòa trồng gần 400 héc-ta tỏi. Diện tích này trồng tập trung tại huyện Vạn Ninh (200 héc-ta), thị xã Ninh Hòa (190 héc-ta) với năng suất đạt khoảng 10 tấn/héc-ta. Đây là năng suất khá cao so với mọi năm.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

 

Tây Ninh:

Bắt giữ gần 300.000 khẩu trang y tế vận chuyển qua Campuchia

Tuần cuối tháng 3/2020, tại khu vực Trạm Kiểm soát Hòa Hiệp, thuộc Đồn Biên phòng Lò Gò, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an Tây Ninh đã bắt quả tang 2 xe ô tô đang vận chuyển gần 300.000 chiếc khẩu trang y tế kháng khuẩn các loại, không có hóa đơn chứng từ sang Campuchia tiêu thụ. Tang vật thu giữ gồm: 200.000 khẩu trang y tế hiệu Super; 92.500 khẩu trang y tế các loại mang nhãn hiệu MyLove, 4U FAMAPRO, TMIHU… và một số tang vật có liên quan.

Qua làm việc ban đầu, 2 tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và khai nhận vận chuyển số khẩu trang trên từ Thành phố Hồ Chí Minh lên khu vực biên giới xã Hòa Hiệp để vận chuyển qua Campuchia tiêu thụ. Ước tính lượng hàng hóa có giá trị gần 300 triệu đồng.

An Giang:

Phát hiện 207.400 khẩu trang thiếu hóa đơn chứng từ

Cục QLTT An Giang phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 TP. Châu Đốc tiến hành khám phương tiện vận tải xe ô tô tải có mui biển kiểm soát 43C-146.31 đang đậu tại khu vực kênh Vĩnh Tế thuộc ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Qua khám thực tế toàn bộ phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện 207.400 chiếc khẩu trang, trị giá khoảng 207,4 triệu đồng. Trong đó, khẩu trang kháng khuẩn hiệu Đỉnh Hưng (loại 4 lớp) có số lượng 174.900 chiếc do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đỉnh Hưng Phát sản xuất; 32.500 chiếc khẩu trang cao cấp siêu kháng khuẩn hiệu Khang Việt (loại 4 lớp) do Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu thiết bị y tế Khang Việt sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện xuất trình 4 tờ hóa đơn GTGT và 3 phiếu gửi kèm theo hàng hóa. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra phát hiện hóa đơn, chứng từ nêu trên không khớp với số lượng hàng hóa trên phương tiện. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

HÀNG VIỆT

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”:

Nâng cao giá trị cho nông sản chủ lực

Với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp đặc trưng đã được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị, chế biến sâu… Cách làm này không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, mở ra cơ hội phát triển mà còn nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của các vùng miền.

OCOP - tạo vị thế mới cho nông sản

Sau 2 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay 11/11 huyện, thành phố của Sơn La đã có sản phẩm đặc trưng riêng. Trong đó có 3 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, là: Chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La. Một số sản phẩm chế biến từ trái cây và trái cây tươi đã xuất khẩu được sang Mỹ, Úc… Năm 2019, Sơn La đã có 28 sản phẩm OCOP (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao). Nhiều sản phẩm được chế biến sâu như: Mận, chè xanh, xoài, tỏi…

Giống như Sơn La, Bắc Kạn đã đặt quyết tâm cao khi coi OCOP là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để phát triển lợi thế và các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã công nhận 105 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (97 sản phẩm 3 sao; 8 sản phẩm 4 sao). Hiện, các sản phẩm OCOP: Hồng không hạt, miến dong, cam, quýt, gạo bao thai, gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch, tinh bột nghệ cao cấp Cucumin... của Bắc Kạn đang được nhiều khách hàng tin tưởng, lựa chọn.

Theo ông Ngô Tất Thắng - Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP mới được triển khai rộng từ tháng 5/2018, song đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Năm 2020, Chương trình OCOP đặt mục tiêu tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng ít nhất 1.200 sản phẩm OCOP. Tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia lần thứ nhất vào quý III/2020. Triển khai thực hiện từ 8 - 10 mô hình Làng Văn hóa du lịch. Đồng thời, phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP…

Để sản phẩm OCOP không “chết yểu”

Hiện, các tỉnh vẫn đang tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP. Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, kế hoạch, tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến hết năm 2020 là 3.843 sản phẩm (vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm).

Tuy nhiên, thực tế triển khai Chương trình OCOP ở một số địa phương cho thấy đã xuất hiện tư tưởng nóng vội; thậm chí xem đây là một “phong trào”, dẫn đến việc không thực hiện đúng theo chu trình xây dựng sản phẩm OCOP đã được quy định.

Ông Đàm Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Cách Linh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng nêu ví dụ: Địa phương này đang đăng ký 2 sản phẩm là vịt quay và phở chua. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này theo tiêu chí của Chương trình OCOP để được đánh giá, phân hạng lại không hề đơn giản khiến cho xã Cách Linh vẫn còn lúng túng. Chưa kể đến việc, vịt quay và phở chua đều là sản phẩm tươi, không thể để lâu ngày và đòi hỏi công nghệ chế biến, đặc biệt là bảo quản cao.

Hạn chế mà Chủ tịch Đàm Văn Quang nêu ra cũng là khó khăn của nhiều địa phương khi triển khai Chương trình OCOP. Bởi thực tế, đa phần các địa phương gặp khó trong tiếp cận công nghệ, cải tiến, áp dụng công nghệ còn yếu. Trong đó, đáng chú ý là kiến thức: Quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính; công nghệ sản xuất, chế biến, xúc tiến bán hàng, marketing,... của các chủ thể sản phẩm OCOP còn yếu và thiếu, khiến nhiều sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ “chết yểu” khi xây dựng được thương hiệu, nhưng chất lượng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.