Thông tin thị trường giá cả số 19/2020

09:35 AM 05/05/2020 |   Lượt xem: 4229 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Quảng Ngãi:

Quế được mùa, giá cao

Hơn tháng qua là cao điểm thu hoạch quế của bà con miền núi Quảng Ngãi. Quế được mùa, giá thu mua cao đã giúp đồng bào Cor miền núi có nguồn thu lớn.

Ở miền núi Quảng Ngãi, mỗi năm bà con nông dân có hai đợt thu hoạch quế. Từ cuối tháng 2 đến tháng 4 là cao điểm vụ “tiên quế”, tức vụ thu hoạch quế đầu tiên trong năm; từ tháng 7 đến tháng 8 là “hậu quế”, tức vụ thu hoạch lần cuối trong năm. Vụ “tiên quế” năm nay, trên những cánh rừng quế bạt ngàn ở huyện Trà Bồng và các xã khu tây (huyện Tây Trà cũ), bà con vùng cao đã khẩn trương thu hoạch ngay từ đầu vụ để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. So với những năm trước, giá quế năm nay tăng mạnh và nhu cầu thu mua xuất khẩu ra nước ngoài cũng nhiều hơn.

Tại huyện Trà Bồng - “thủ phủ” của vùng nguyên liệu quế tỉnh Quảng Ngãi, dù đã cuối vụ nhưng nhiều đại lý và các điểm thu mua lẻ vẫn về tận vườn, rừng thu mua quế. Nếu như những năm trước, giá quế thu mua từ 20.000 – 35.000 đồng/kg thì năm nay, giá quế tăng cao hơn 30 - 40%. Tùy sản phẩm quế ống, quế vụn sẽ có mức giá từ 45.000 – 55.000 đồng/kg; các sản phẩm phụ như cành, lá cũng được đại lý, thương lái thu mua từ 2.000 – 5.000 đồng/kg. Thậm chí, cuối vụ, những sản phẩm phụ như cành, lá, quế vụn cũng được tiêu thụ mạnh từ các điểm mua bán lẻ có nhu cầu. Đặc biệt, năm nay hàng khan hiếm, lượng tiêu thụ lớn nên các đại lý thu mua còn hỗ trợ bà con nông dân thuê thêm nhân công thu hoạch vườn.

Nguyên nhân khiến giá quế tăng là do lượng xuất khẩu năm nay tăng nhiều so với mùa trước. Hầu hết các công ty đều tăng lượng thu mua, xuất khẩu khoảng 30% so với năm ngoái; chủ yếu là quế ống để chế biến tinh dầu, hàng gia dụng và xuất khẩu. Thời điểm hiện tại, tất cả quế thu hoạch được sơ chế, bảo quản và cung ứng cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Theo số liệu ước tính của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trà Bồng, từ trung tuần tháng 2 đến nay, các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi đã thu mua khoảng 800 tấn quế các loại của bà con nông dân miền núi huyện Trà Bồng và 6 xã khu Tây Trà Bồng (huyện Tây Trà cũ). Nhiều đại lý, thương lái cũng thu mua trong dân hơn 200 tấn quế tươi và sản phẩm từ cây quế. Tất cả sản lượng thu mua tại vùng nguyên liệu được các doanh nghiệp cung ứng cho một phần thị trường trong nước để chế biến tinh dầu, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… và phần lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Đông, Ấn Độ…

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có gần 6.000 héc-ta quế tại các huyện miền núi, chủ yếu là ở vùng cao Trà Bồng; năng suất bình quân 9,5 tấn/héc-ta. Ngoài rừng keo trồng khai thác hằng năm thì cây quế cũng là nguồn thu nhập chính của bà con đồng bào Cor vùng cao Quảng Ngãi. Quế Trà Bồng cũng được coi là một trong những sản phẩm chủ lực của đồng bào miền núi. Với đồng bào Cor, quế là cây trồng quen thuộc. Từ xa xưa, người Cor có phong tục khi sinh con thì trồng một cây quế non để lại cho con, khi con lớn thì quế cũng đã lớn, khi lấy vợ lấy chồng thì được chia cho một số gốc quế để làm của sinh sống. Từ cây quế, đồng bào Cor đã tạo ra nhiều sản phẩm như: Tăm, bình hồ lô, hộp đựng đồ trang sức, hương quế... Đồng bào Cor còn khai thác vỏ quế tạo thành quế kẹp, quế ống cung cấp cho các cơ sở thu mua xuất khẩu.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm, huyện Trà Bồng đang tập trung thực hiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà Bồng. Thời gian qua, huyện cũng đã triển khai một số giải pháp nhằm giúp đồng bào tăng thu nhập từ cây quế.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Gia Lai:

Thương lái vào tận vườn thu mua vải

Thời điểm này, các nhà vườn ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đang tất bật thu hoạch vải. Giá vải năm nay tuy có giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 song bù lại năng suất đạt khá, hứa hẹn đem lại nguồn thu lớn cho người dân.

Ngay khi vải bắt đầu chín từ thời điểm giữa tháng 4, các thương lái trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê đã vào tận vườn thu mua. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá vải đạt trên dưới 30.000 đồng/kg, giảm 5.000 – 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Tuy nhiên, do được chăm sóc tốt nên năng suất vải cao hơn năm trước hơn 30%. Đặc biệt, vải ở Kbang chín sớm trước vụ vải của cả nước cả tháng nên bán rất chạy. Thậm chí có những năm, vải Kbang thu hoạch xong rồi thì ở các tỉnh phía Bắc mới vào mùa.

Những năm qua, cây vải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ ở Kbang. Vì vậy, bà con đã đầu tư mở rộng diện tích trồng loại cây này. Huyện Kbang hiện có 83,6 héc-ta vải, trong đó 35,4 héc-ta đã cho thu hoạch, còn lại là trồng mới. Mặc dù từ cuối năm 2019 đến nay, thời tiết không thuận lợi nhưng cây vải vẫn cho năng suất khá, thu nhập bình quân 150 triệu đồng/héc-ta. So với cây trồng khác, cây vải cho thu nhập cao hơn. Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây vải, ngành nông nghiệp huyện Kbang đã và đang tiếp tục hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây vải để đạt năng suất cao. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện cũng tiếp tục duy trì hoạt động Ngày hội Du lịch Kbang để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản trên địa bàn, trong đó có quả vải. Thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa hộ dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp để đưa quả vải đến các thị trường mới, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

Đồng bằng Sông Cửu Long:

Xoài khó tiêu thụ

Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã vào giai đoạn thu hoạch xoài chính vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá xoài giảm khiến người trồng thất thu.

Đầu vụ xoài năm nay, xoài cát Hòa Lộc được thương lái đến tận vườn mua với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg, xoài thanh ca khoảng 10.000 đồng/kg, xoài tượng da xanh 5.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau thời gian này, giá xoài trên thị trường liên tục giảm, thương lái thu mua cầm chừng. Hiện giá xoài cát Hòa Lộc chỉ còn 17.000 - 20.000 đồng/kg, xoài tượng da xanh 2.000 - 3.000 đồng/kg, xoài thanh ca từ 2.000 đồng/kg…

Tình hình này khiến nhiều hộ dân đành để xoài chín trên cây bởi nếu thuê nhân công thu hoạch sẽ tiếp tục thua lỗ. Nhiều nơi, xoài chín rụng, chất thành từng đống lớn trong vườn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do xoài đang giai đoạn thu hoạch chính vụ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng lớn nên cung vượt cầu. Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 nên thị trường tiêu thụ chỉ gói gọn trong nước, không thể xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường trong nước tiêu thụ khá chậm do người dân hạn chế ra đường, hàng quán đóng cửa nên dù giá giảm mạnh nhưng lượng xoài tiêu thụ không mấy khả quan.

Những năm gần đây, cây xoài đã giúp nhiều hộ dân ở Tịnh Biên có cuộc sống sung túc hơn. Năm nay, năng suất và chất lượng trái xoài hơn hẳn mọi năm nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khâu tiêu thụ khó khăn. Hầu hết bà con trồng xoài vùng Bảy Núi đều thua lỗ. Nhất là những hộ có diện tích canh tác càng lớn thì lỗ càng nhiều nhưng không vì thế mà bà con bỏ vườn mà vẫn tích cực tỉa cành, bón phân, xử lý ra trái để chuẩn bị cho vụ mới. Hy vọng trong vụ tới, nông dân sẽ được mùa, được giá để “gỡ” lại vốn trong vụ này.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Đồng Tháp:

Giá mít Thái giảm

Các hộ dân trồng mít Thái trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đang lo lắng do giá mít Thái giảm mạnh so với tháng trước. Hiện giá mít Thái loại 1 được thương lái thu mua chỉ còn 12.000 đồng/kg; loại 2 giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Mức giá này giảm khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá mít Thái giảm sâu do xuất khẩu chậm lại; các thương lái chỉ thu mua mít cầm chừng phục vụ nhu cầu chế biến của thị trường trong nước.

Bình Phước:

Sầu riêng đầu vụ giá cao

Sầu riêng được mùa, được giá khiến các nhà vườn tỉnh Bình Phước phấn khởi. Hiện giá sầu riêng bán tại vườn từ 60.000 – 70.000 đồng/kg; bán lẻ tại chợ từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do vào thời điểm đầu vụ, khan hàng và năm nay sầu riêng cho thu hoạch trễ hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 1 tháng. Mặt khác, do các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn khiến nguồn cung trái cây bị thiếu hụt. Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa sầu riêng tại Bình Phước mới vào vụ thu hoạch chính nhưng thời điểm này đã có nhiều thương lái vào tận vườn đặt cọc trước, chờ tới ngày thu hoạch. Hiện thị trường chính là Trung Quốc đang phục hồi trở lại, nhu cầu tiêu thụ rau, trái cây gia tăng khi hệ thống siêu thị, các nhà hàng mở cửa trở lại. Do đó, dự báo xuất khẩu trái cây sẽ phục hồi và sôi động trong tháng tới. Trồng sầu riêng cần nhiều vốn đầu tư, nhiều công chăm sóc nhưng bù lại thu nhập cao khiến nhà vườn phấn khởi.

Khánh Vĩnh - Khánh Hòa:

Giá bưởi da xanh giảm sâu

Hiện nay, giá bưởi da xanh tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa chỉ còn 25.000 đồng/kg, thậm trí, quả xấu chỉ bán được 15.000 đồng/kg. Thời gian qua, giá bưởi liên tục giảm khiến nhiều gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, thời điểm trước tết, giá bưởi đạt 45.000 đồng/kg sau đó giảm xuống 35.000 đồng/kg, giờ còn 25.000 đồng/kg.

Bưởi da xanh là cây trồng chủ lực, mới phát triển tại huyện miền núi Khánh Vĩnh. Tuy mới phát triển nhưng diện tích bưởi đã vượt gần gấp đôi so với quy hoạch, gây khó khăn cho đầu ra. Đây cũng là loại nông sản được nhiều xã tại Khánh Vĩnh lựa chọn tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).         

Hà Tĩnh:

Giá ngao tăng

Người nuôi ngao ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang bước vào vụ thu hoạch chính. Giá ngao đang trên đà tăng mạnh trở lại sau nhiều lần “chạm đáy” bởi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến bà con phấn khởi. Hiện giá ngao khoảng 18.000 đồng – 20.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm này năm ngoái từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, bà con có thể trang trải chi phí ban đầu và có một phần vốn xoay vòng đầu tư lại vụ nuôi mới.

Xã Mai Phụ là địa phương có tổng diện tích nuôi ngao lớn nhất huyện Lộc Hà với hơn 80 héc-ta. Bắt đầu vụ ngao năm nay khá khó khăn với bà con nông dân do vừa gặp phải tình trạng ngao chết hàng loạt khi chuẩn bị đến kỳ thu hoạch vừa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến thị trường thủy hải sản khó tiêu thụ trong gần 2 tháng qua. Hiện giá ngao đã tăng lên và hoạt động thu mua diễn ra sôi động hơn so với cách đây gần 1 tháng, giúp bà con đảm bảo được hoạt động sản xuất, kinh doanh và có nguồn thu nhập ổn định trở lại giữa lúc kinh tế khó khăn do dịch bệnh kéo dài.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Giá trứng miền Bắc giảm, miền Nam tăng nhẹ

Dịch bệnh kéo dài khiến giá trứng ở hai miền Nam và Bắc có phản ứng trái chiều. Dự báo, giá trứng thời gian tới sẽ tăng do nhu cầu của thị trường.

Tại miền Bắc, nguồn cung tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm giảm. Một số tỉnh như Hòa Bình, Tuyên Quang, Điện Biên... giá trứng gà công nghiệp là 900 đồng/quả, còn trứng vịt ở mức 1.500 - 1.700 đồng/quả, giảm 300 - 400 đồng/quả so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân khiến giá trứng giảm là do nhu cầu tiêu dùng của người dân thấp. Thương lái ít thu mua vì hoạt động giao thương chậm, ước tính tiêu thụ giảm tới 70%. Trong khi đó, giá trứng ở miền Nam tăng nhẹ 100 đồng/quả. Tại Bình Dương, giá trứng gà công nghiệp thu mua tại trang trại là 1.300 - 1.400 đồng/quả, trứng vịt 1.900 - 2.000 đồng/quả. Dự báo, thời gian tới, giá trứng sẽ tăng trở lại do các cơ sở làm bánh đang vào mùa nên sẽ cần nguồn hàng lớn. Với mức giá này, nông dân đã có lãi nhưng không cao.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, sở dĩ giá trứng miền Bắc giảm còn trong Nam tăng là do nguồn cung chi phối. Hiện nguồn cung ở miền Bắc lớn nên giá giảm, trong khi miền Nam do chịu nhiều thiệt hại từ đầu năm nên người nuôi ít tái đàn khiến nguồn cung không biến động nhiều.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thuốc lá lậu

Lợi dụng tình hình dịch COVID-19, thời gian qua, các đối tượng buôn lậu thuốc lá đã tăng cường hoạt động, gây phức tạp cho khu vực biên giới.

Điển hình là tại tỉnh Kiên Giang, ngay đầu tháng 4/2020, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã liên tiếp bắt giữ 2 vụ vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu từ biên giới Campuchia. Cụ thể, ngày 7/4, một tổ công tác của Đồn đã mật phục khu vực cột mốc 309 thuộc phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên, phát hiện 7 đối tượng vác 7 bao nghi là hàng lậu. Tổ công tác phát tín hiệu dừng kiểm tra, 6 đối tượng quăng tang vật, bỏ chạy về phía bên kia biên giới. Một đối tượng chưa kịp tẩu thoát bị lực lượng biên phòng bắt giữ, đồng thời thu 7 bao tang vật, kiểm tra là 3.500 gói thuốc lá hiệu Hero, Jet do nước ngoài sản xuất. Trước đó, ngày 6/4, lợi dụng lúc các vị trí chốt chặn luân phiên ăn cơm trưa, 5 đối tượng vác 5 bao hàng lậu lén lút vượt biên giới tại khu vực cột mốc 309. Lực lượng biên phòng thu giữ tang vật gồm 2.500 gói thuốc lá điếu hiệu Hero, Jet và Caraven do nước ngoài sản xuất.

Tại tỉnh Long An, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đã phát hiện và bắt giữ một vụ nhập lậu thuốc lá số lượng lớn tại địa bàn biên giới thị xã Kiến Tường. Kiểm tra các bao hàng, lực lượng chức năng phát hiện có 3.790 bao thuốc lá hiệu Jet, Hero, Scott, Nesson, Ram.

Tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan An Giang phối hợp Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh bắt giữ 1 xuồng máy vận chuyển số lượng lớn thuốc lá nhập lậu tại bờ kênh Vĩnh Tế, thuộc tổ 9, ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng. Qua kiểm tra, phát hiện dưới hầm xuồng máy chứa khoảng 1.500 cây (15.000 gói) thuốc lá nhập lậu, trong đó có 250 cây thuốc lá hiệu Jet, 1.250 cây thuốc lá hiệu Hero.

HÀNG VIỆT

Gia Lai:

Sản phẩm OCOP phát huy lợi thế vùng, miền

Qua một năm thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của các vùng, miền của tỉnh Gia Lai đã khẳng định được lợi thế trên thị trường.

Mỗi khu vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt nên đã tạo ra những sản phẩm truyền thống, đặc trưng, lợi thế độc đáo khác nhau. Thực hiện chương trình OCOP đã mở ra hướng phát triển với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở các vùng, miền. Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai có chất lượng tốt từ chương trình OCOP là: Cà phê bột, khoai lang Lệ Cần, cá lăng sông Sê San, thịt bò một nắng Krông Pa, mật ong rừng, nấm linh chi, tinh bột nghệ, hồ tiêu Lệ Chí… không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong cả nước.

Ngay từ đầu năm 2019, huyện Kbang đã chỉ đạo lập kế hoạch triển khai chương trình OCOP cấp huyện theo hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch tại địa phương. Đây là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm đặc trưng của huyện tham gia vào chương trình OCOP. Huyện cũng xác định, tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP khá đa dạng, phong phú như: Trái cây, hạt mắc ca, măng khô, mật ong; dược liệu thu hái từ rừng tự nhiên và dược liệu trồng; dệt thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ, nhạc cụ chế tác bằng tre, nứa, mây tre đan; các di tích lịch sử văn hóa, không gian văn hóa cồng chiêng, du lịch sinh thái… Trên cơ sở đã định hướng, huyện thành lập hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, huyện còn hợp đồng với chuyên gia Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp – Phát triển nông thôn II tư vấn xây dựng mô hình điểm thành lập HTX nông nghiệp từ các tổ hợp tác gắn với phát triển sản phẩm OCOP, tổ chức lớp tập huấn chương trình mỗi xã một sản phẩm và ý tưởng kinh doanh, tư vấn hỗ trợ cho cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP. Thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện Kbang sẽ tiếp tục hướng dẫn các chủ thể đã đạt sao hoàn thiện hồ sơ để tham gia nâng cấp vào năm 2020. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể có ý tưởng, có sản phẩm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tham gia chương trình OCOP, phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ đặc trưng của huyện.

Năm 2020, huyện Chư Pưh đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để phát triển chương trình OCOP. Trong đó, tập trung chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ về xây dựng kế hoạch sản xuất và đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc chương trình OCOP; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP huyện, xã và chủ các cơ sở có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp, HTX; hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm; xét chọn ý tưởng sản phẩm; tổ chức sản xuất các sản phẩm; xúc tiến thương mại, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Huyện cũng định hướng các địa phương xây dựng chương trình đề ra một “sân chơi” mở nhưng theo một chu trình, được kiểm soát chặt chẽ, theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng. Điều này sẽ góp phần phát triển sản phẩm, từ ý tưởng cũng như nhu cầu, khả năng thực tế của mỗi cơ sở sản xuất, các địa phương. Hiện nay, huyện Chư Pưh đã có 4 sản phẩm OCOP được tỉnh Gia Lai xếp hạng 3 sao cấp tỉnh. 6 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã trong huyện đã đăng ký 14 sản phẩm OCOP.

Nhằm tìm ra các giải pháp phát triển chương trình OCOP, gần đây, huyện Chư Pưh đã tổ chức hội thảo bằng hình thức trực tuyến với tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe Phó Giáo sư -Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Trần Văn Ơn - Cố vấn OCOP Quốc gia truyền đạt những nội dung liên quan đến OCOP như: Hệ thống tổ chức sản xuất và nguồn nhân lực để thực hiện OCOP; ý tưởng sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm trong nền kinh tế thị trường; trách nhiệm của cả hệ thống trong thực hiện OCOP… Việc tổ chức hội thảo lần này thể hiện sự quyết tâm của huyện Chư Pưh trong việc phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở địa phương.

Sau 1 năm thực hiện chương trình OCOP, đã có 47 sản phẩm đặc trưng của 11 địa phương trong tỉnh Gia Lai được lựa chọn gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh để đánh giá, phân hạng. Kết quả, đã có 41/47 sản phẩm được chấm đạt từ 3 đến 4 sao.