Thông tin thị trường giá cả số 9/2021

03:55 PM 24/02/2021 |   Lượt xem: 3962 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho “Hạt ngọc trời”

“Hạt ngọc trời” là cách gọi ví von dành cho gạo Ba Chăm - sản phẩm được canh tác theo phương thức chọc, trỉa và chăm sóc hoàn toàn dựa vào tự nhiên của đồng bào dân tộc Ba Na (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Mới đây, với việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, “Hạt ngọc trời” đang có thêm nhiều cơ hội để vươn ra thị trường.

Độc đáo giống lúa của người Chăm

Theo người dân ở xã Đắk Trôi – xã có diện tích lúa Ba Chăm lớn nhất huyện Mang Yang - “ba” tiếng Ba Na có nghĩa là “lúa”, còn Chăm là dân tộc Chăm. Ba Chăm có nghĩa là giống lúa của người Chăm.

Khu vực trồng lúa Ba Chăm là vùng cánh đồng trũng phân bố ở độ cao từ 700 m đến 1.000 m so với mực nước biển, độ ẩm không khí trên 80% trong suốt mùa vụ canh tác (tháng 4 đến tháng 11). Điều kiện tự nhiên và mùa vụ canh tác dài ngày đã giúp cây lúa Ba Chăm có thời gian tích lũy chất dinh dưỡng, tạo ra hạt gạo Ba Chăm có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo cơm và mùi thơm nhẹ.

Trước đây, lúa Ba Chăm chỉ cho năng suất tầm 2,6 tấn/héc-ta vì trồng trên đất dốc, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Nay, nhờ một số diện tích có thể tận dụng làm cánh đồng ruộng bậc thang giữ nước nên năng suất tăng lên 3,2 tấn/héc-ta. Trải qua một quá trình dài tương thích với khí hậu, thổ nhưỡng nên giống lúa Ba Chăm có sức đề kháng rất tốt, cây hầu như không bị sâu bệnh, phát triển dựa vào nước trời. Hiện huyện Mang Yang đang trồng và chăm sóc khoảng 2.032 héc-ta lúa Ba Chăm, sản lượng hơn 6.900 tấn.

Gạo Ba Chăm đã có chỉ dẫn địa lý

Với mục tiêu khôi phục giống lúa Ba Chăm nguyên chủng, thiết lập quy trình sản xuất tối ưu cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển gạo Ba Chăm trở thành gạo đặc sản…, từ tháng 9/2017, huyện Mang Yang đã triển khai Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa Ba Chăm với tổng kinh phí trên 524 triệu đồng/năm do UBND huyện làm chủ đầu tư. Từ dự án này, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ, tăng thu nhập. Đồng thời, đảm bảo vùng nguyên liệu lúa Ba Chăm ổn định về sản lượng, chất lượng và xây dựng “hạt ngọc trời” Ba Chăm thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.

Cuối tháng 11/2020, tin vui tiếp tục đến với đồng bào Ba Na ở Mang Yang khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học – Công nghệ) có Quyết định số 4524/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm. Theo đó, khu vực địa lý bao gồm các xã: Đắk Trôi, Đê Ar, Kon Chiêng, Kon Thụp, Lơ Pang (huyện Mang Yang).

Với chỉ dẫn địa lý này, người tiêu dùng sẽ nhận biết được xuất xứ địa lý của hạt gạo Ba Chăm; đồng thời, ngăn cấm những người không có thẩm quyền sử dụng tên gọi gạo Ba Chăm cho những sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đã công bố.

Hiện, sản phẩm gạo Ba Chăm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn có mặt tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ông Nguyễn Nam Hải - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Gia Lai cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ đồng hành cùng UBND huyện Mang Yang để quản lý, sử dụng và phát triển hiệu quả, bền vững chỉ dẫn địa lý Mang Yang cho sản phẩm gạo Ba Chăm; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương chứng nhận VietGAP cho sản phẩm gạo Ba Chăm được mang chỉ dẫn địa lý; hình thành bộ nhận diện thương hiệu cho chỉ dẫn địa lý Mang Yang với sản phẩm gạo Ba Chăm, hỗ trợ sản phẩm gạo Ba Chăm tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Gia Lai:

Vụ mía 2020 - 2021 được mùa, được giá

Niên vụ mía 2020 - 2021, năng suất mía tăng, Nhà máy Đường An Khê lại thu mua với giá cao cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác khiến người dân Gia Lai phấn khởi bởi cây mía đã khởi sắc sau nhiều năm thất bát.

Tại huyện Đắk Pơ, năng suất mía đạt 70 tấn/héc-ta, cao gần gấp đôi so với năm trước. Tại một số huyện lân cận, năng suất mía vụ này cũng đạt trung bình khoảng 60 tấn/héc-ta, tăng trên 10 tấn/héc-ta so với vụ ép trước. Nguyên nhân là do thời tiết thuận lợi, mưa rải đều từ tháng 5 đến tháng 9 giúp cây mía sinh trưởng, phát triển tốt.

Không chỉ có năng suất cao, vụ ép mía 2020 - 2021, Nhà máy Đường An Khê đã tăng mức giá thu mua mía nguyên liệu lên 900.000 đồng/tấn với mía đạt 10 chữ đường (tăng 100.000 đồng/tấn so với vụ ép 2019 - 2020) và hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển tùy khoảng cách. Với giá thu mua 900.000 đồng/tấn, dự kiến các hộ trồng mía sẽ có lãi khá. Đây là tin vui với nông dân các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai sau vài năm gặp nhiều khó khăn bởi hạn hán và giá mía xuống thấp.

Được biết, những năm trước, tại Gia Lai, tình hình khô hạn cũng như dịch trắng lá mía khiến năng suất mía giảm. Bên cạnh đó, giá đường trong nước cao so với đường nhập khẩu đã kéo giá mía xuống thấp trầm trọng. Khi đó, hàng nghìn hộ dân đã phá bỏ diện tích mía để chuyển đổi sang cây trồng khác khiến vùng nguyên liệu mía tại tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng lớn, có năm không đủ nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy trên địa bàn.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, thời gian qua, Nhà máy Đường An Khê đã triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất theo mô hình cánh đồng mía lớn áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch để nâng cao năng suất và chất lượng mía. Từ những kết quả đạt được, tới đây, Nhà máy Đường An Khê sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách đầu tư tăng diện tích, mở rộng cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng mía.

Trồng sâm Bố Chính:

Lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa

Sâm Bố Chính là một vị thuốc có nhiều công dụng và rất phù hợp khi trồng ở vùng miền núi. Hơn thế, sản phẩm còn có đầu ra khá ổn định. Đây chính là lý do để các hộ dân ở xã Thanh Lâm, huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đầu tư vào loại cây trồng này.

Tính đến nay, trên địa bàn xã Thanh Lâm có 18 hộ trồng sâm Bố Chính với tổng diện tích hơn 1 héc-ta. Quá trình trồng và chăm sóc sâm Bố Chính được bà con thực hiện hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, củ sâm Bố Chính có dược tính sâm rất cao và đảm bảo an toàn, chất lượng, năng suất cao. Trừ chi phí đầu vào và nhân công, mỗi sào đất trồng sâm Bố Chính thu lãi được từ 15 – 20 triệu đồng, lãi hơn so với trồng lúa, trồng sắn rất nhiều.

Nhận thấy sâm Bố Chính phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2020, xã Thanh Lâm  đã xây dựng kế hoạch trồng thử nghiệm 1 héc-ta sâm Bố Chính. Đến kỳ thu hoạch, cây sâm Bố Chính cho năng suất 10 tấn củ/héc-ta. Với giá bán 100.000 đồng/kg củ sâm tươi, doanh thu từ mô hình trồng sâm Bố Chính đạt 1 tỷ đồng/héc-ta. Từ kết quả đó, năm 2021 xã Thanh Lâm tiếp tục chỉ đạo phát triển mở rộng mô hình trồng sâm Bố Chính với diện tích 20 héc-ta với mong muốn tăng thu nhập bình quân cho người dân, giúp các hộ gia đình nghèo, hộ khó khăn thoát nghèo bền vững.

Để tiêu thụ sản phẩm củ sâm Bố Chính, xã Thanh Lâm chủ động liên kết với Công ty Trí Việt (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Hội), để phát triển mô hình trồng sâm Bố Chính. Dự kiến cuối năm 2021, tổng thu nhập mang lại từ việc nhân rộng mô hình trồng sâm Bố Chính là khoảng 20 tỷ đồng - đưa xã Thanh Lâm dẫn đầu cả huyện Như Xuân về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo các nhà khoa học, sâm Bố Chính có dược tính rất cao - tương đương nhân sâm Hàn Quốc và chỉ thua dược tính sâm Ngọc Linh. Theo y học cổ truyền, sâm Bố Chính có một số tác dụng chính như: Điều trị ho, tác dụng hạ sốt, tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng tiêu hóa, hỗ trợ điều trị ung thư.     

Hậu Giang:

Giá dưa lê tăng 1.000 đồng/kg

Tuần qua, giá dưa lê trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tăng nhẹ so với thời điểm giáp tết. Bà con phấn khởi vì dưa được mùa, được giá. Hiện dưa lê được thương lái thu mua tại ruộng với giá 8.000 đồng/kg - tăng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bà con nông dân, năm nay dù thời tiết có nhiều bất lợi, nhưng nhờ được chăm sóc tốt nên năng suất dưa lê đạt bình quân từ 2 tấn/công, với giá bán 8.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí người trồng thu về lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/công. Dưa lê có thể trồng quanh năm, thời gian sinh trưởng ngắn, đầu ra và giá bán ổn định. Sau khi trồng từ 45 - 60 ngày có thể thu được những lứa trái đầu tiên và 3 ngày có thể thu hoạch một đợt, mỗi vụ có thể thu hoạch kéo dài hơn 1 tháng.

Lương Sơn (Hòa Bình):

Trồng rau hữu cơ thu nhập cao

Chuyển đổi đất lúa sang liên kết trồng rau hữu cơ, nhiều nhà nông người dân tộc Mường ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã có “của ăn của để”. Mùa nào bà con trồng rau ấy, từ cà chua, bắp cải, su hào, bầu, bí mướp, dưa chuột, đu đủ, đậu đỗ, xà lách và nhiều rau ăn lá khác. Do chất lượng rau ngon, an toàn nên sản xuất của các tổ hợp tác rau hữu cơ hiện không đáp ứng đủ nhu cầu. Sản phẩm làm ra đến đâu được các đại lý rau sạch ở Thủ đô Hà Nội bao tiêu toàn bộ. Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lương Sơn, hiện trên địa bàn huyện đang có 10 Tổ hợp tác trồng rau hữu cơ đạt hiệu quả cao. Trong thời gian tới, Lương Sơn tiếp tục phối hợp với các địa phương và ngành chức năng mở rộng mô hình Tổ hợp tác trồng rau hữu cơ ra nhiều thôn, xã của huyện.

Gà vẫn ế ẩm

Do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành yêu cầu dừng hoạt động quán ăn, nhà hàng, lễ hội nên trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thịt gia cầm, nhất là thịt gà thả vườn chững lại, giá bán thấp: Giá gà tại các trang trại ở các tỉnh thành phía Bắc dao động từ 55.000 đồng đến 80.000 đồng/kg. Giá gà lai chọi đang được thương lái thu mua hạn chế ở mức trên dưới 43.0000 đồng/kg. Giá gà mía Sơn Tây trên 5 tháng tuổi bán buôn từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg. Giá gà chíp mã đẹp bán cao nhất mới được 56.000 đồng/kg. Giá gà ta Lạc Thủy bán được từ 55.000 đồng đến 65.000 đồng/kg, tùy loại. Mặc dù giá xuống thấp so với năm ngoái nhưng hiện nhiều trang trại chăn nuôi gà lễ ở miền Bắc và miền Trung vẫn đang tồn nhiều hàng vì không có khách mua.

Khánh Hòa:

Chuối khan hiếm, giá cao

Xã Suối Cát, huyện Cam Lâm - một trong vựa chuối lớn ở Khánh Hòa - nổi tiếng với đặc sản chuối mốc hay còn gọi chuối tây, chuối sứ. Chuối ở đây chủ yếu trồng trên các rẫy ở sườn đồi, nải chuối to, quả căng tròn, vỏ trắng sáng, giữ mã vàng đẹp lâu ngày, vị ngọt thanh, mùi thơm... nên được người tiêu dùng miền Trung, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ ưa chuộng. Vụ chuối tết năm nay, toàn xã Suối Cát trồng trên 700 héc-ta song do ảnh hưởng hạn hán nên sản lượng chuối cho thu hoạch dịp Tết Tân Sửu 2021 chỉ đạt khoảng 70 héc-ta, thấp hơn nhiều so với mọi năm. Không chỉ vùng chuối ở xã Suối Cát, mà các xã Suối Tân, Cam Tân… (huyện Cam Lâm) sản lượng chuối tết năm nay cũng giảm mạnh. Tại huyện miền núi Khánh Sơn, sản lượng chuối cho thu hoạch dịp tết cũng chỉ được khoảng 20% trên tổng diện tích gần 1.000 héc-ta. Nguyên nhân là do ảnh hưởng những cơn bão cuối năm khiến cây chuối đổ gãy, thiệt hại. Chính vì nguồn chuối khan hiếm, nên hiện giá chuối được các vựa thu mua nhích lên từng ngày. Ngay sau tết, giá chuối được thu mua tăng gấp đôi so với tháng trước và tăng từ 10 - 20% so với năm ngoái.       

Bắc Kạn:

Quy hoạch chuỗi giá trị cây nghệ

Năm 2021, vùng trồng nghệ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tiếp tục được mở rộng, diện tích dự kiến đạt khoảng 250 héc-ta, sản lượng 5.000 tấn.

Năm 2020, tỉnh Bắc Kạn trồng gần 200 héc-ta nghệ, năng suất ước đạt 23 tấn/héc-ta, sản lượng đạt khoảng 4.600 tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 40 doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất thu mua, chế biến sản phẩm từ củ nghệ. Nhiều mặt hàng chế biến từ nghệ của Bắc Kạn đã đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, được người tiêu dùng ưu chuộng như: Tinh bột nghệ nếp đỏ, tinh bột nghệ nếp đen, Vi-cumax nano curcumin, Trịnh Năng curcumin...

Nhằm khai thác tiềm năng, tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị nghệ, Bắc Kạn đã phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển chuỗi giá trị nghệ giai đoạn 2020 – 2022. Trong đó, đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu nghệ sinh thái ổn định, với quy mô 150 héc-ta tại các vùng có lợi thế như: Huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông, Na Rì và thành phố Bắc Kạn. Hướng tới 100% diện tích nghệ của tỉnh đạt tiêu chuẩn sinh thái. Nâng cấp năng lực chế biến của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tiêu thụ ít nhất 80% sản lượng nghệ tươi sản xuất tại địa phương và giảm giá thành chế biến tối thiểu 20%.

Theo kế hoạch, tham gia vào chuỗi giá trị có khoảng 40 tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các hộ trồng nghệ. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ nâng cấp thiết bị và công nghệ sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ nhằm thiết lập chuỗi giá trị bền vững, có giá trị gia tăng cao; các hộ trồng nghệ được liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua hợp đồng thương mại; được hỗ trợ nghệ giống năm đầu tiên, hỗ trợ phân bón vi sinh, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện quy trình canh tác nghệ hữu cơ...

Để thực hiện hiệu quả chuỗi giá trị nghệ, tỉnh Bắc Kạn đã xây cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng, tăng cường năng lực chế biến và thương mại cho các cơ sở sản xuất, xúc tiến thương mại sản phẩm; đặc biệt là tạo lập, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nghệ hữu cơ. Với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất liên kết chuỗi giá trị, cây nghệ đang được định hướng trở thành sản phẩm chủ lực của Bắc Kạn; từ đó góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của người dân nông thôn.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Tây Nguyên:

Phát hiện, xử lý nhiều vụ phân bón giả

Vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng phức tạp trên thị trường khu vực các tỉnh Tây Nguyên những năm qua đã tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Lực lượng chức năng tại Tây Nguyên đã, đang có những biện pháp “mạnh tay” với phân bón giả…

Cuối năm 2020, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng tại Đắk Nông đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng... Tháng 10/2020, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện vi phạm sản xuất phân bón không có giá trị sử dụng, công dụng theo quy định; không thực hiện thử nghiệm, đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm trước khi lưu thông trên thị trường tại thôn 14, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp. Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất phân bón Hùng Quang 115 triệu đồng… Tháng11/2020, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện tại cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp tại phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, có 8,8 tấn phân bón nhãn hiệu Lân HUMIC hữu cơ của Công ty trách nhiệm hữu hạn An Nông và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài phân bón, cơ sở này còn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Hay tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng cũng xử lý nhiều trường hợp kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng. Điển hình như hồi đầu tháng 8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phát hiện một kho phân bón, gồm 4,4 tấn phân bón NPK các loại hết hạn sử dụng, không có ngày sản xuất và không có nhãn mác tại kho hàng của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Minh Tân trên địa bàn xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột… Không chỉ tại, Đắk Nông, Đắk Lắk, tại các tỉnh Tây Nguyên Khác như Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai lực lượng chức năng cũng thường xuyên phát hiện xử lý các vụ vi phạm về mặt hàng phân bón. Hiện tại Tây Nguyên, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt, nỗ lực làm sạch thị trường vật tư nông nghiệp. Việc kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng không chỉ gây tác hại nặng nề cho cây trồng, ảnh hưởng đến người nông dân mà còn gây nhũng loạn thị trường, làm ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón khác…

HÀNG VIỆT

Sóc Trăng:

Trái cây đặc sản tiêu thụ tốt thông qua liên kết

Thời gian qua, Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ cho các hợp tác xã chuyên sản xuất cây ăn trái nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng trái sau thu hoạch…

Hỗ trợ phát triển các loại giống cây ăn trái đặc sản

Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng với mục tiêu chung là hỗ trợ phát triển các loại giống cây ăn trái đặc sản, khai thác và phát huy tiềm năng diện tích cây ăn trái, nâng cao thu nhập cho nông dân, gia tăng hiệu quả kinh tế vườn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, mục tiêu cụ thể của dự án là hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tập trung cũng như chuyển đổi các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao và tập hợp các nhà vườn, thành lập hợp tác xã (HTX), nhằm tạo liên kết sản xuất của các nhà vườn, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn để gắn kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra giữa HTX và doanh nghiệp.

Theo mục tiêu, giai đoạn 2018 - 2021, dự án tiến hành cải tạo, nâng cấp 1.490 héc-ta vườn cây ăn trái và mở mới 740 héc-ta vườn cây ăn trái, phấn đấu đến năm 2021 diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt gần 30.000 héc-ta. Tuy nhiên, con số trên đã vượt so với chỉ tiêu đề ra, tính đến thời điểm hiện tại diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 31.370 héc-ta. Qua đó cho thấy, dự án triển khai rất thành công tại các địa phương. Nhà vườn nhận được nhiều lợi ích thiết thực khi tham gia dự án, được hỗ trợ cây giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP, xây dựng vùng trồng, cấp mã code. Đồng thời, dự án tập hợp nhà vườn thành lập HTX nhằm tạo ra sản lượng trái cây có số lượng lớn, cùng chất lượng để liên kết cùng các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ trái cây tốt hơn. Nhờ đó, số HTX cây ăn trái trên địa bàn tỉnh tăng lên đáng kể.

Giai đoạn 2021 - 2025, dự án tiến hành cải tạo, nâng cấp, mở mới vườn cây ăn trái, nâng diện tích trên 33.000 héc-ta, sản lượng 462.000 tấn. Tổ chức tập huấn và xây dựng 132 mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cải tạo nâng cấp và mở mới vườn cây ăn trái; xây dựng 6 chuỗi giá trị cây ăn trái. Kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến trái cây. Đồng thời, xây dựng mới 4 vùng trồng cây ăn trái và dự kiến cấp 8 mã code với diện tích trên 80 héc-ta trên cây bưởi, nhãn… tại các HTX trong vùng dự án.

Đảm bảo đầu ra cho bưởi da xanh

Một trong những trái cây đặc sản được dự án hỗ trợ HTX ký kết sản phẩm đầu ra là bưởi da xanh. Bưởi là loại cây cho trái rải vụ quanh năm nhưng vụ thu hoạch rộ thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 5 âm lịch năm sau. Nếu như trước đây, việc sản xuất cây bưởi manh mún, nhỏ lẻ, thì từ khi dự án được thành lập đến nay cây bưởi được sản xuất theo hướng hợp tác, được nhà vườn trong vùng dự án nhiệt tình tham gia. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 12 HTX, tổ hợp tác đã được hình thành. Đồng thời, nhằm mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm cây bưởi, thời gian qua dự án đã triển khai thực hiện 9 mô hình trồng mới, cải tạo (1 héc-ta/mô hình) và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trên vườn cây bưởi (5 héc-ta/mô hình) nhằm từng bước nhân rộng cũng như hình thành vùng sản xuất tập trung. Theo đó, dự án xây dựng mô hình sản xuất cây bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP và đã có gần 49 héc-ta được cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản lượng ước đạt 900 tấn/năm. Bên cạnh đó, dự án xây dựng vùng sản xuất cây bưởi đạt tiêu chuẩn cấp mã code phục vụ xuất khẩu với diện tích 67,8 héc-ta/6 mã code, sản lượng ước đạt 1.300 tấn/năm. Khi đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, có mã code, dự án tiến hành hỗ trợ cho các HTX gặp gỡ ký kết hợp đồng với công ty, doanh nghiệp về liên kết tiêu thụ trái bưởi, cung cấp cho thị trường trong nước, kể cả xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ…

Để phát triển cây bưởi trong thời gian tới, dự án sẽ phối hợp đơn vị chuyên môn tại các địa phương trong vùng dự án hỗ trợ thành lập mới HTX sản xuất cây ăn trái; mở rộng quy mô sản xuất cây bưởi để hình thành vùng sản xuất tập trung và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Song song đó, vận động bà con nông dân chuyển đổi các diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây bưởi và các loại cây ăn trái đặc sản khác trong vùng dự án để nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất; tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn trái an toàn, theo hướng hữu cơ sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGAP và vùng sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn cấp mã code phục vụ xuất khẩu.