Đổi thay từ chính sách dân tộc ở vùng cao Phú Thọ

04:07 PM 06/01/2017 |   Lượt xem: 6455 |   In bài viết | 

Nhiều khu định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được xây dựng khang trang.

Yên Lập là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm hơn 80% số dân. Xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc là nội dung quan trọng, huyện đã triển khai các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đầy đủ, đúng quy định.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mỹ Lung Đinh Tiến Duật khẳng định: "Vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã không còn hình ảnh đường đất lầy lội quanh co dưới chân đồi, những ngôi nhà tạm bợ đủ che nắng mưa, đồng bãi xơ xác vì mất mùa, ngập lụt... Nền đường đã được trải nhựa, những ngôi nhà gỗ, nhà xây kiên cố, đồng lúa trĩu bông cho năng suất, chất lượng cao; điện, đường, trường, trạm được xây dựng kiên cố, khang trang, diện mạo xã nông thôn mới đang dần hiện lên trước mắt...".

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, hiện nay, xã Mỹ Lung đã đầu tư xây dựng được bốn khu tái định cư cho đồng bào; xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa nếp Gà gáy đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất cây trồng trên một diện tích. Ngoài ra, xã cũng thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Hưng Long là xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Yên Lập, nay cán đích nông thôn mới (NTM). Chủ tịch UBND xã Hưng Long Đỗ Mạnh Hà cho biết: "Các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước thật sự là đòn bẩy giúp địa phương và người dân phát triển kinh tế. Từ các nguồn vốn, hiện nay xã đã có hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, kiên cố, đời sống của bà con nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, do vận dụng và lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn mà xã đã hoàn thành được 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM...". Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được xã tập trung hỗ trợ các hộ dân có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 24,9 triệu đồng/người/năm, bình quân lương thực đạt 442 kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30% năm 2010 xuống còn dưới 9% năm 2016.

Thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua, huyện Yên Lập đã có nhiều giải pháp quyết liệt để triển khai sâu rộng các chính sách đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK dân chủ, công khai và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ huyện xuống các địa phương.

Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Yên Lập Cao Văn Sinh cho biết: "Từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản ĐBKK thuộc Chương trình 135 đạt gần 140 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng 208 công trình gồm nhà, lớp học, đường giao thông, đường điện, thủy lợi, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng; xây mới bốn khu định canh, định cư cho các thôn, bản ĐBKK tại các xã Trung Sơn, Mỹ Lương, Thượng Long và Đồng Thịnh".

Ngoài ra, huyện còn quan tâm, chăm sóc những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó, đã giúp đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, trong thời gian qua, từ các nguồn vốn, Phú Thọ đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất các xã, thôn, bản ĐBKK, từng bước làm thay đổi diện mạo và cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đầu tư hơn 600 tỷ đồng thực hiện các chính sách dân tộc, trong đó, gần 500 tỷ đồng xây dựng 1.885 công trình (hai công trình điện, 1.019 công trình giao thông, 214 công trình thủy lợi; 258 trường, lớp học và nhà ở giáo viên, 16 trạm y tế, duy tu, sửa chữa 129 công trình)… Các công trình xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, kịp thời phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ĐBKK. Từ chính sách dân tộc mà các xã ĐBKK, xã khu vực 1 và 2 vùng DTTS đến nay cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4% đến 5%/năm; 100% số xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố; 80% số phòng học vùng dân tộc được xây dựng kiên cố; hơn 90% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. 100% số xã ĐBKK, xã khu vực 2 có đường bê-tông, hoặc nhựa hóa cho xe ô-tô từ huyện đến trung tâm xã; 100% số thôn, bản có đường giao thông cho xe gắn máy đến trung tâm xã...

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ Đinh Ngọc Thanh cho biết: "Thông qua các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc và miền núi của tỉnh thoát nghèo nhanh, bền vững; trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền cấp xã được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào các dân tộc có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, chính sách dân tộc còn là đòn bẩy, là động lực để các địa phương và người dân vùng khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như, người dân là các đối tượng thụ hưởng trực tiếp chưa được thông tin, tiếp cận một cách đầy đủ, kịp thời; một bộ phận hộ nghèo, người DTTS chưa có ý chí vươn lên, dẫn đến có tâm lý "cho thì nhận"; việc lồng ghép các chính sách cùng nội dung hỗ trợ trên địa bàn đạt hiệu quả chưa cao, chưa chặt chẽ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các chính sách…

Nguồn: Ngọc Long (nhandan.com.vn)