Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS
09:57 PM 19/04/2019 | Lượt xem: 30616 In bài viết |Ngày 19/4/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc họp Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn giai đoạn 2012-2018”. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Trưởng đoàn giám sát; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đồng chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Về phía Ủy ban Dân tộc (UBDT) có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải tham dự.
Theo báo cáo của Chính phủ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi giai đoạn giai đoạn 2012-2018” cho thấy, trong giai đoạn này, lĩnh vực giảm nghèo nói chung, giảm nghèo vùng DTTS, miền núi nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, là một trong những điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, tạo ra sự thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo của nông thôn vùng DTTS, miền núi. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đã tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS, miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ DTTS giảm nhanh theo từng giai đoạn (giảm trung bình khoảng 3,5%/năm)…
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là: hệ thống chính sách chưa đồng bộ; công tác phối hợp giữa các cơ quan xây dựng và ban hành văn bản chưa chặt chẽ; có chính sách định mức thấp, vốn cấp không đồng bộ; còn một số chính sách không phù hợp, chưa chú trọng đúng mức đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sinh tồn và văn hóa của đồng bào dân tộc; cơ chế thực hiện chính sách còn bất cập, chưa có chính sách đặc thù để phát huy nội lực của người dân; kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh còn cao…
Tại cuộc họp, các thành viên Đoàn giám sát đã kiến nghị, đề nghị nhiều vấn đề khó khăn trong thực tiễn giám sát, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, đánh giá, như: đánh giá kỹ hơn về tỷ lệ nghèo, diễn biến nghèo; quá trình rà soát hộ nghèo; làm rõ tính bền vững của giảm nghèo; phân bổ quản lý, sử dụng nguồn vốn; kiến nghị tích hợp chính sách; tăng cường phân cấp cho địa phương, cơ sở; điều chỉnh một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn; phân tích rõ hơn, thống nhất các số liệu báo cáo…
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải đã tiếp thu, giải trình, làm rõ các vấn đề thành viên Đoàn giám sát quan tâm, kiến nghị, đặt câu hỏi; đồng thời, đưa ra phương hướng, giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp với nhiều nội dung phong phú, ý nghĩa thiết thực, nhằm tiếp tục hoàn thiện báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội thời gian tới. Khẳng định, chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS, miền núi sẽ luôn được quan tâm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Chính phủ có đánh giá sâu hơn, phân tích, so sánh với mục tiêu đặt ra; kiến nghị giải pháp dài hơi cho giai đoạn đến năm 2020 và cả giai đoạn 2021-2026.
PV