Đoàn khảo sát thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX làm việc với Ban cán sự đảng Ủy ban Dân tộc

01:01 PM 26/10/2022 |   Lượt xem: 5150 |   In bài viết | 

Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Hầu A Lềnh, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đồng chủ trì buổi làm việc

Đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đồng chủ trì buổi làm việc. Tham dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, Đoàn khảo sát và lãnh đạo một số vụ, đơn vị của UBDT.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, UBDT và các ban, ngành, địa phương đã thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc, ưu tiên đầu tư thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, nhờ đó nguồn lực đầu tư cho các vùng DTTS tăng lên đáng kể, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an ninh, quốc phòng vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ngay sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW khóa IX. Ban cán sự đảng UBDT phối hợp với Đảng ủy cơ quan tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết đến các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ; các tổ chức chính trị và toàn thể cán bộ, đảng viên trong cơ quan. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về các chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất về các chính sách, chương trình, dự án, đề án… nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã xây dựng và ban hành một số chính sách khung, trong đó, lần đầu tiên, cơ quan hành chính nhà nước xây dựng và ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc, đây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất, là khung pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Cũng lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tại Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2013; đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc qua việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2020, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; đây là định hướng khung quan trọng về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Cũng trong giai đoạn 2011-2021, UBDT và các bộ, ngành liên quan được giao nhiệm vụ trong Nghị định số 05 đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, nổi bật như: Chương trình 135; Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025...

Các tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách dân tộc đặc thù riêng, sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS. Nhiều địa phương ban hành đề án, kế hoạch, chương trình hành động chuyên đề thực hiện các chính sách dân tộc về giảm nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển làng nghề và du lịch, giải quyết việc làm, phát triển KT-XH của tỉnh. Các địa phương đã đưa chỉ tiêu về giảm nghèo vào nghị quyết phát triển KT-XH hàng năm và xây dựng giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện chính sách.

Quang cảnh buổi làm việc

Đến nay, tại vùng DTTS&MN, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã (năm 2008: 96%); 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9% (năm 2008: trên 70%); 100% xã có trường tiểu học và THCS, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3 % xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa... Đời sống vật chất của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm: Bình quân toàn vùng DTTS&MN giảm 2-3%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn, giảm 3-4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5-6%/năm trở lên. Giai đoạn 2015-2018, đã có 08/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; 124/2.139 xã, 1.322/20.176 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135.

Với các thành tựu đã đạt được trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển KT-XH, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào trong 20 năm qua đã làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS&MN, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển ổn định; hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn; quốc phòng an ninh, chính trị được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được  nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.

Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc thể hiện trong các Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII đến nay về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng ta, đó là: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030 trong tình hình mới, cần quán triệt sâu sắc nội dung Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS&MN trong tình hình mới; (2) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS; (3) Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc; (4) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hoá, tập quán từng dân tộc; (5) Phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; (6) Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS&MN; (7) Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào DTTS&MN; (8) Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Trao đổi ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của Ban cán sự đảng UBDT đã thể hiện đầy đủ các nội dung theo đề cương và các yêu cầu đặt ra. Đồng thời, khẳng định đây là cơ hội để nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của cơ quan làm công tác dân tộc, Báo cáo cần được hoàn thiện một cách sâu sắc, kỹ lưỡng, tập trung vào nội hàm đại đoàn kết toàn dân tộc. Một số đại biểu đề nghị bổ sung số liệu về triển khai công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; bổ sung báo cáo kết quả ban đầu về thực hiện Chương trình MTQG 1719; làm rõ hơn vai trò của người dân, đồng bào DTTS trong triển khai Nghị quyết; phát huy mạnh mẽ vai trò của cán bộ làm công tác dân tộc; quan tâm hơn đến công tác phát huy nội lực, tính tự lực tự cường, sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau của đồng bào...

Thành viên Đoàn khảo sát thảo luận, góp ý để hoàn thiên Báo cáo tổng kết

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Sự đóng góp của công tác dân tộc, triển khai chính sách dân tộc và vai trò của cơ quan làm công tác dân tộc các cấp, và cơ quan làm công tác của hệ thống chính trị đã góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Về một số vấn đề mới, UBDT sẽ nghiên cứu để đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương để tổng hợp, đưa vào báo cáo tổng kết. UBDT sẽ sớm hoàn thiện báo cáo chuyên đề với một số nội dung trọng tâm để làm rõ hơn các nội dung trong Báo cáo tổng kết. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã phân tích và làm rõ hơn một số nội dung trong Báo cáo và các ý kiến góp ý; đồng thời, nhấn mạnh: UBDT sẽ nghiên cứu, tiếp thu hết sức nghiêm túc các ý kiến thảo luận, đóng góp của các thành viên Đoàn khảo sát để hoàn thiện Báo cáo trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban cán sự đảng UBDT đã được xây dựng một cách nghiêm túc, công phu, đầy đủ số liệu, đánh giá được toàn diện các kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Ban cán sự đảng UBDT đã tổ chức quán triệt việc triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW tới cán bộ của UBDT, hệ thống cơ quan công tác dân tộc các cấp; đã chỉ đạo, cụ thể hóa việc tham mưu xây dựng các văn bản để triển khai Nghị quyết, lan tỏa việc triển khai Nghị quyết đến các địa phương vùng DTTS&MN. Nhờ đó, việc triển khai công tác dân tộc theo tinh thần của Nghị quyết số 23 đã đạt được nhiều kết quả cụ thể như trong báo cáo đã nêu, góp phần thực hiện tốt chính sách bình đảng, đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí Phạm Tất Thắng đề nghị đánh giá sâu, rõ hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, của UBDT trong thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát; đánh giá thêm vai trò của cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng DTTS&MN trong thực hiện Nghị quyết; phần kiến nghị cần tập trung hơn vào nội hàm của Nghị quyết để có những đề xuất, kiến nghị trọng tâm hơn... Nhân dịp này, đồng chí Phạm Tất Thắng mong rằng UBDT tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của UBDT trong thời gian tới.