Hội nghị tổng kết Quy chế phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc và UBDT giai đoạn 2016 - 2021 và ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2026

07:52 PM 09/03/2022 |   Lượt xem: 2949 |   In bài viết | 

Chủ tịch HĐDT Y Thanh Hà Niê Kđăm và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2022 - 2026

Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội; Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí Thường trực HĐDT, Lãnh đạo UBDT và Lãnh đạo các vụ, đơn vị của hai cơ quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch HĐDT Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết:  HĐDT của Quốc hội xác định, việc thực hiện công tác dân tộc đáp ứng yêu cầu mong đợi của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; giải quyết được cơ bản những khó khăn về đời sống, sản xuất, đặc biệt giảm hộ nghèo nhanh và bền vững; xây dựng nông thôn mới; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, nhà nước ngày càng vững chắc, là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đồng thời cũng là nhiệm vụ cũng như trách nhiệm hết sức nặng nề của các cơ quan làm công tác dân tộc.

Để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ trên, cần phải có sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp, đặc biệt là các cơ quan làm công tác dân tộc. Theo đó, ngày 12/8/2016, HĐDT và UBDT đã thống nhất xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan làm công tác dân tộc của Quốc hội với cơ quan làm công tác dân tộc của Chính phủ trong việc tham mưu, hoạch định, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, hai bên xác định các hoạt động phối hợp trọng tâm là: xây dựng chính sách, pháp luật; hoạt động giám sát, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc; hoạt động thẩm tra, đánh giá, triển khai chính sách dân tộc; công tác bồi dưỡng cán bộ, trao đổi, cung cấp thông tin; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác dân tộc.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Sau 05 năm triển khai thực hiện, Quy chế đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, đó là: các chủ trương, chính sách đối với đồng bào các DTTS được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế; Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đã có chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được chú trọng; nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về công tác dân tộc; góp phần phát triển KT-XH, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS và miền núi; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.

Giai đoạn 2016 - 2021, UBDT đã chủ trì, phối hợp với HĐDT và các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ 38 đề án, chính sách đối với vùng DTTS và miền núi; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 27 đề án, chính sách. Các chính sách được ban hành nhằm phát triển đồng bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; ưu tiên phát triển đối với các DTTS rất ít người...

Trong đó, dấu ấn nổi bật nhất của quá trình phối hợp là đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030. Đây là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc.

Quang cảnh Hội nghị

Ngoài ra giữa hai cơ quan đã phối hợp trong công tác bồi dưỡng cán bộ, trao đổi, cung cấp thông tin; phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác dân tộc, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về công tác dân tộc; góp phần phát triển KT-XH, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS và miền núi...

Về giải pháp hoạt động phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026, hai cơ quan thống nhất sẽ thực hiện Quy chế phối hợp nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao cho về xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật; giám sát, kiểm tra; tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết: Nhiệm kỳ này, sự phối hợp giữa HĐDT và UBDT đã chặt chẽ, hiệu quả hơn. Chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020 đã được hai cơ quan nghiêm túc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện. Sự phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên kịp thời hơn. Nhờ vậy, công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiệu quả hơn. Tại nhiệm kỳ này, hai cơ quan đã đạt được nhiều nhiệm vụ quan trọng làm nền tảng triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.

Hai bên phối hợp, tham gia tổ chức và đồng chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng như Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc; tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong tình hình mới...

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ghi nhận, biểu dương công tác phối hợp giữa hai cơ quan đã mang lại hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, như: Công tác xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình và đặc biệt hai bên đã xuất sắc tham mưu cho Quốc hội lần đầu tiên trong lịch sử công tác dân tộc ban hành Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/NQ-QH phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chúc mừng Lãnh đạo hai cơ quan tại Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2026

Thời gian tới, nhiệm vụ, công việc còn rất nặng nề, ngoài phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị hai bên cần thường xuyên trao đổi, bàn bạc, thống nhất để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88/2019/NQ-QH và Nghị quyết 120/2020/NQ-QH; nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quốc hội xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc; phối hợp nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều chỉnh phân định miền núi, vùng cao phục vụ hoạch định chính sách dân tộc; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc và công tác dân tộc; thường xuyên nắm tình hình, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

“Hai cơ quan cần tiếp tục phát huy, đồng hành, chia sẻ, đoàn kết, nhất trí hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, công tác dân tộc trong năm 2022 là tiền đề triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh…

Nhân dịp này, Chủ tịch HĐDT Y Thanh Hà Niê Kđăm đã thân mật tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT

Tại Hội nghị, hai cơ quan đã thảo luận thống nhất Quy chế phối hợp phù hợp, bám sát các nội dung, chương trình, nhiệm vụ của hai cơ quan trong giai đoạn 2022 - 2026 và từng năm. Hai cơ quan sẽ tiến hành phối hợp xây dựng các chính sách dân tộc, rà soát đánh giá hiệu lực hiệu quả, hoàn thành các chính sách dân tộc, hoàn thành Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi…

Kết thúc Hội nghị, dưới sự chứng kiến của các đại biểu tham dự, hai cơ quan đã ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2026.

Việt Cường