Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau
04:51 PM 12/08/2019 | Lượt xem: 3539 In bài viết |Ngày 12/8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc (UBDT), với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và một số tổ chức quốc tế, tổ chức Phi Chính phủ phối hợp tổ chức Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) không bị bỏ lại phía sau”.
Đồng chủ trì Hội thảo có: Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc và Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông (gọi tắt là Ban Chỉ đạo); ông Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liệp hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh tham dự Hội thảo.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Với những đặc điểm giới và định kiến xã hội đã tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái DTTS luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình và ngoài xã hội. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Để đảm bảo được sự công bằng, các chính sách cần hướng tới những cải cách thể chế và tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ DTTS, nhất là những nhóm phụ nữ DTTS nghèo nhất, ở những vùng xa xôi, cách trở nhất.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với nguyên tắc “không bỏ ai ở lại phía sau” thì nỗ lực chấm dứt bất bình đẳng giới ở các vùng DTTS phải được xây dựng dựa trên các cam kết hiện có của Việt Nam về bình đẳng giới. Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ người dân Việt Nam trong hành trình quan trọng này.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra thực trạng về một số vấn đề liên quan đến phụ nữ DTTS như: Lao động, việc làm và sinh kế bền vững của phụ nữ DTTS; một số vấn đề xã hội đối với phụ nữ DTTS; sự tiếp cận các dịch vụ xã hội của phụ nữ DTTS; vấn đề trao quyền, tăng cường sự tham gia của phụ nữ DTTS nhìn từ góc độ chính sách... Từ đó, các đại biểu đã khuyến nghị nhiều giải pháp để thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ DTTS. Những thảo luận đưa ra tại hội thảo là kết quả làm việc của các đại biểu tại các hội thảo kỹ thuật trước đó.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại Hội thảo.
Nêu quan điểm cá nhân, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đến phụ nữ, trong đó có phụ nữ DTTS. Đó là điều rất tự hào của phụ nữ Việt Nam so với phụ nữ trên thế giới. Tuy nhiên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho rằng, phụ nữ DTTS vẫn đang chịu rất nhiều thiệt thòi và nhất trí cao với những ý kiến phân tích, đánh giá những khó khăn, rào cản của phụ nữ DTTS, cũng như bất cập của chính sách đang triển khai thực hiện. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết, thời gian tới, cần có hướng tiếp cận mới trong thực hiện chính sách dân tộc, trong đó phải có sự đầu tư cho phụ nữ DTTS phát triển toàn diện.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao việc chuẩn bị tổ chức Hội thảo và ghi nhận các ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Nhắc lại các quan điểm của Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc, bà Trương Thị Mai khẳng định, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết đã được nhiều kết quả tích cực trong hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS . Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là phải tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả hệ thống chính sách dân tộc.
Đối với bình đẳng giới của phụ nữ DTTS, theo bà Trương Thị Mai, vấn đề lồng ghép giới trong hệ thống chính sách rất quan trọng. Cùng với đó, cần tác động mạnh mẽ thay đổi nhận thức, hành động của hệ thống chính trị. Quan tâm đến nhóm khó khăn nhất và nhóm hàng đầu trong phụ nữ DTTS. Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ DTTS vào quá trình thay đổi cuộc sống. Bà mong muốn, trong Chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc có phần riêng dành cho việc hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ DTTS phát triển, để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Xuân Thường