Đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng DTTS và miền núi
03:38 PM 15/11/2022 | Lượt xem: 2361 In bài viết |Ngày 15/11, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo Đề án "Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2023 - 2025. Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo diễn ra với sự kết nối của 50 điểm cầu trên toàn quốc. Tham dự hội thảo có đại diện một số bộ, ban, ngành; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố; Ban Dân tộc và một số sở ngành, cơ quan báo chí của các địa phương; Đại diện các báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45-QĐ/TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ; cùng các thành viên trong Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án và một số chuyên gia.
Theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; Nội dung số 2, Tiểu Dự án 1, thuộc Dự án 10: Thực hiện cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45-QĐ/TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên ở vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn.
Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì hội thảo
Thông qua Đề án nhằm thông tin, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc và tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận, tăng cường niềm tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn; phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền chống phá Đảng và Nhà nước; giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trang bị, phổ biến kiến thức về kinh tế, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, xây dựng nông thôn mới...
Để tiếp tục phát huy những ưu điểm và khắc phục những tồn tại hạn chế, UBDT đề xuất những nội dung cơ bản nhằm đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, một số nội dung trọng tâm là: Đổi mới về nội dung các ấn phẩm báo, tạp chí nhằm khắc phục việc đưa các thông tin chồng chéo, khó kiểm soát, dàn trải; phát huy được thế mạnh của các cơ quan báo chí; Đổi mới hình thức cung cấp thông tin (xây dựng ứng dụng di động; đa dạng các kênh phát hành); Đổi mới trong công tác vận chuyển báo, tạp chí; Đổi mới trong việc bổ sung đối tượng hưởng thụ các ấn phẩm báo, tạp chí…
Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Trung ương
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Ban Soạn thảo Đề án, đồng thời đề xuất: Cần tận dụng tối đa các kênh truyền thông số để phục vụ đồng bào, với mục tiêu cung cấp thông tin hữu ích, kịp thời, để người dân sử dụng hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Huy Dũng đề nghị: Để triển khai hiệu quả Đề án, cần tăng cường sự tương tác hai chiều, đề chính đồng bào DTTS là người chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của mình cho mọi người. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng với UBDT và các bộ, ngành, để xây dựng ứng dụng nhằm cung cấp thông tin đáp ứng kỳ vọng, mạng lại hữu ích cho người dân khu vực vùng DTTS&MN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về sự cần thiết xây dựng Đề án; các nội dung đổi mới trong triển khai như: tăng hàm lượng giá trị của nội dung thông tin; xây dựng thông tin chuyên đề, phù hợp với từng vùng miền, từng dân tộc; kết nối, phối hợp giữa các cơ quan báo chí; phát triển đội ngũ cộng tác viên; đổi mới hình thức cung cấp thông tin; đa dạng các kênh phát hành, vận chuyển ấn phẩm báo chí... Các đại biểu cùng thống nhất mô hình tuyên truyền qua kênh điện tử là phù hợp, dễ tiếp cận, phát huy hiệu quả, đồng thời sẽ góp phần nắm bắt kịp thời thông tin phản hồi từ người dân để hoàn thiện chính sách.
Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu một số địa phương
Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT nhấn mạnh: Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, thực hiện tốt các Chương trình MTQG, công tác truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng. Công tác đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg giai đoạn 2019 - 2021 thời gian qua, cũng như phân tích, làm rõ những tồn tại, khó khăn, và đề xuất các giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay sẽ góp phần triển khai hiệu quả Đề án "Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2023 - 2025.
Tại hội thảo, UBDT đã ghi nhận được nhiều thông tin thực sự có chất lượng, để xây dựng cũng như triển khai Đề án thành công. Các đề xuất giải pháp từ việc nâng cao chất lượng nội dung thông tin; xây dựng nền tảng kỹ thuật tạo đột phá; tăng cường trao đổi thông tin hai chiều; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hành; tăng cường công tác phối hợp; tăng cường sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương... sẽ được UBDT nghiên cứu, tiếp thu. Để hoàn thiện cũng như việc triển khai thành công Đề án, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh mong tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành của các bộ, ban, ngành và các địa phương, vì sự phát triển của vùng DTTS&MN.