Tham vấn triển khai Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc giai đoạn 2018-2025
02:11 PM 24/12/2018 | Lượt xem: 3583 In bài viết |Sáng 24/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo Tham vấn triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến dự và chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (Quốc hội); Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng; đại diện một số ban, bộ, ngành: Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, GD&ĐT, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo một số trường, học viện: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Công an nhân dân, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng); lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh: Bắc Giang, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam cùng một số nhà khoa học, chuyên gia về dân tộc học.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số chính sách dân tộc trong quá trình thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: khoảng cách chênh lệch phát triển, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, tỉ lệ nghèo và cận nghèo còn cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác tại vùng DTTS, cán bộ làm công tác dân tộc ít được bồi dưỡng kiến thức dân tộc, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết về văn hóa của đồng bào còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức; ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 771/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025” cho 4 nhóm đối tượng: lãnh đạo cấp tỉnh, cấp sở, cấp phòng và cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Việc triển khai Đề án sẽ góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết và giải pháp thích hợp để tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác trong việc tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Việc phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay; qua đó, sẽ có khung và chương trình để bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, còn nhiều nội dung cần làm rõ như: công tác tổ chức, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành và các trường, học viện; nội dung chương trình và phương pháp bồi dưỡng, sự lồng ghép với các chương trình khác; đội ngũ giảng viên và báo cáo viên… Để tạo nhận thức thống nhất, triển khai có hiệu quả theo Quyết định 771, việc tổ chức Hội thảo tham vấn, tiếp thu góp ý của các ban, bộ, ngành, địa phương, các trường chính trị, học viện và các chuyên gia, nhà khoa học sẽ góp phần làm rõ hơn các nội dung, kế hoạch để triển khai thực hiện Đề án.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh: Hiện nay, nói đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc không còn là những thuật ngữ như quan tâm, hỗ trợ, đầu tư. Để có sự quan tâm toàn diện hơn, sâu sắc hơn, đồng bào các DTTS, vùng DTTS và miền núi chính là đối tác phát triển, trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Trên cơ sở đó, phải thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động, vì nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác dân tộc cũng chính là góp phần thực hiện mục tiêu này.
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (Quốc hội) trao đổi ý kiến
Tại Hội thảo, PGS.TS Bế Trung Anh, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc trình bày dự thảo Phương án triển khai thực hiện Đề án gồm các nội dung: cơ chế quản lý; xây dựng kế hoạch; xây dựng nội dung chương trình, tài liệu; công tác tổ chức bồi dưỡng, nghiên cứu thực tiễn; bồi dưỡng tiếng DTTS; đội ngũ giảng viên, báo cáo viên; cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát; cấp văn bằng, chứng chỉ và cơ chế tài chính.
Đánh giá cao chủ trương và mục đích của việc triển khai Đề án, các đại biểu đã trao đổi, gợi ý để làm rõ thêm các nội dung triển khai thực hiện, đáp ứng mục tiêu của Đề án. Các ý kiến đã tập trung vào thảo luận một số nội dung như: lồng ghép, thống nhất các chương trình; tổ chức, quản lý kinh phí, thời gian tổ chức; phân cấp quản lý cho địa phương; cập nhật các kiến thức mới về công tác dân tộc; nội dung bồi dưỡng về tiếng DTTS; tập huấn cho giảng viên và báo cáo viên; công tác truyền thông thực hiện Đề án…
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự chuẩn bị, tổ chức Hội thảo của Học viện Dân tộc. Tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Học viện Dân tộc và các đơn vị liên quan tham mưu, triển khai một số nội dung như: thành lập Tổ giúp việc triển khai thực hiện Đề án; xây dựng văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương về cơ chế thực hiện, chuẩn bị dự toán kinh phí, nội dung; hoàn thiện khung chương trình; xây dựng văn bản gửi các trường, học viện các cấp để phối hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng; tham mưu thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập các chuyên đề, do các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban trực tiếp làm trưởng Ban; đặt hàng với các tổ chức, cá nhân biên soạn các chuyên đề tham khảo; chuẩn bị kỹ công tác tổ chức bồi dưỡng báo cáo viên theo nguyên tắc học 3, dạy 1; thành lập nhóm công tác do Lãnh đạo Học viện Dân tộc phối hợp với Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để triển khai nghiên cứu, đề xuất tổ chức việc bồi dưỡng tiếng DTTS…