Triển khai xây dựng khung kế hoạch hành động thúc đẩy thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ ở vùng dân tộc và miền núi

07:15 AM 09/10/2014 |   Lượt xem: 2113 |   In bài viết | 

Đồng chí Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên Hiệp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện UNDP, Unicef tại Việt Nam; đại diện một số Đại sứ quán tại Việt Nam; đại diện một số tổ chức quốc tế; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc UBDT.

Hội thảo Triển khai xây dựng khung kế hoạch hành động thúc đẩy thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ ở vùng dân tộc và miền núi nhằm thảo luận về các “nút thắt” quan trọng nhất đang cản trở việc đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Tại Hội thảo, Lãnh đạo UBDT và Điều phối viên thường trú Liên Hiệp quốc đã thông tin tới các cơ quan Chính phủ và các đối tác phát triển về quá trình xây dựng Kế hoạch hành động theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn các Đối tác phát triển VDPF năm 2013.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan nhấn mạnh: Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ, song vẫn còn có khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm DTTS so với các vùng đồng bằng, đô thị. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan khẳng định: “Nếu không có nỗ lực vượt bậc, rất nhiều khả năng Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ cho các vùng và nhóm dân cư đặc biệt khó khăn này”.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã lắng nghe và tham gia nhiều ý kiến góp ý, bổ sung cho cho nội dung bản dự thảo Đề cương Khung kế hoạch và tiến độ xây dựng kế hoạch hành động thúc đẩy thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ cho DTTS tại Việt Nam.

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên Hiệp quốc tại Việt Nam: đây là công cụ lập kế hoạch bài bản cho phép đặt mục tiêu cụ thể, xác định rõ các nút thắt, hỗ trợ xếp loại ưu tiên về các giải pháp và nguồn lực sẵn có để thực hiện một cách khả thi các mục tiêu đặt ra.

Khung kế hoạch này sẽ giúp Việt Nam tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực thực hiện các chương trình và chiến lược quốc gia hỗ trợ đồng bào DTTS theo hướng trao quyền cho cộng đồng và xác định giải pháp dựa vào nội lực và sức mạnh của cộng đồng. Điều này sẽ góp phần đạt được mục tiêu chính sách “không để cho ai tụt hậu” trong quá trình phát triển, như thông điệp của Ngày Quốc tế chống Xoá đói giảm nghèo năm 2014.

Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh: “Mặc dù khung thúc đẩy tiến độ thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ sẽ giúp đẩy nhanh các mục tiêu chưa đạt được vào năm 2015, cách tiếp cận này sẽ vẫn cần thiết cho việc xác định và thực hiện các mục tiêu phát triển sau năm 2015. Bởi lẽ đó, tôi xin đề nghị Chính phủ Việt Nam hãy gắn kết và lồng ghép khung kế hoạch này vào trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 của các ngành và địa phương cũng như hệ thống chính sách giảm nghèo giai đoạn tiếp theo”.

Sơn Nam