Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 15/11/1977 của Ban Bí thư về công tác dân tộc ít người ở các tỉnh miền Nam trong tình hình hiện nay

03:08 PM 31/10/2015 |   Lượt xem: 3910 |   In bài viết | 

Ở các tỉnh miền Nam, các dân tộc ít người cư trú tại những vùng quan trọng về các mặt chính trị, kinh tế và quốc phòng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết dựng nước của đồng bào ngày càng được phát huy. Trong Cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các dân tộc ít người ở miền Nam đã có những đóng góp rất to lớn; có những vùng trong suốt mấy chục năm qua là căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến. Song ở những vùng tạm bị địch chiếm trước đây, bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã thi hành chính sách chia rẽ các dân tộc và thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, để lại những hậu quả rất tai hại về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, công tác của ta trong các dân tộc đã đạt được những thành tích to lớn, nhưng cũng còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm.

Để tiến hành tốt các mặt công tác ở những vùng dân tộc ít người ở miền Nam, các cấp, các ngành cần nắm vững và thực hiện đầy đủ chính sách dân tộc của Đảng đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV và những nhiệm vụ của công tác dân tộc ở miền Nam trong tình hình hiện nay.

Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng ghi rõ:

"Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Phải tăng cường khối đoàn kết không gì lay chuyển nổi giữa các dân tộc trong cả nước, phát huy tinh thần cách mạng và năng lực sáng tạo của các dân tộc ít người trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa dân tộc ít người và dân tộc đông người; đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp; làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc, đoàn kết giúp nhau tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Nhiệm vụ chung của công tác dân tộc ở các tỉnh miền Nam là:

Quán triệt chính sách dân tộc của Đảng, ra sức phát động quần chúng xây dựng vững trật tự an ninh, đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hóa, cải thiện một bước đời sống nhân dân, nhanh chóng ổn định tình hình các mặt, tạo điều kiện thuận lợi để cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng các vùng dân tộc với bước đi và phương pháp thích hợp, xây dựng các vùng dân tộc vững chắc về chính trị, giàu có về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, cùng cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Những công tác chính là:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách dân tộc của Đảng.

Muốn làm tốt công tác dân tộc, trước hết phải làm cho cán bộ và Đảng viên quán triệt chính sách dân tộc của Đảng, trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong quần chúng những điểm cơ bản của chính sách dân tộc, chống lại những luận điệu lừa bịp, xuyên tạc của Mỹ-ngụy trước đây, đánh bại những âm mưu hoạt động phản cách mạng của địch, xóa bỏ những thành kiến dân tộc do lịch sử để lại, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc.

Ban tuyên huấn và Ban dân tộc trung ương phối hợp biên soạn tài liệu học tập phù hợp với từng đối tượng, hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục chính sách dân tộc trong nhân dân.

2. Ra sức khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân.

Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng là một trong những nội dung cơ bản của chính sách dân tộc, là mối quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta.

Trước mắt phải ra sức giúp đỡ nhân dân khôi phục và phát triển sản xuất, tận dụng mọi khả năng sản xuất lương thực, thực phẩm để bảo đảm đời sống, mau chóng chấm dứt nạn thiếu đói.

Ở vùng dọc Trường-sơn và Tây-nguyên phải tích cực thực hiện định canh, định cư kết hợp với việc xây dựng các vùng kinh tế mới; chú trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa đồng bào địa phương với đồng bào nơi khác đến, giữa đồng bào địa phương với các nông trường, lâm trường quốc doanh, với lực lượng quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế ở địa phương. Các công trường, lâm trường, các lực lượng quân đội và đồng bào miền xuôi lên miền núi xây dựng kinh tế có nhiệm vụ giúp đỡ đồng bào địa phương trong sản xuất và đời sống.

Ở vùng dân tộc Chàm và dân tộc Khơ-me, phải tích cực giúp đồng bào khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, thực hiện thâm canh, đồng thời tăng vụ, mở rộng diện tích, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành thủ công truyền thống. Chú ý giải quyết tốt những vụ tranh chấp về ruộng đất theo tinh thần Nghị quyết 254 của Bộ chính trị.

Phải làm tốt công tác lưu thông phân phối, hướng dẫn khai thác và thu mua những nông lâm thổ sản, đi đôi với cung ứng những công cụ lao động và các nhu yếu phẩm cho nhân dân. Cần nắm vững phương châm "lấy lãi bù lỗ, lấy gần bù xa". Phải nói rõ cho quần chúng biết những khó khăn chung trước mắt và thực hiện việc phân phối công bằng, hợp lý, trước hết nhằm thù lao thích đáng cho người lao động sản xuất, đồng thời tăng cường phúc lợi tập thể; đối với những người mất sức lao động, gia đình neo đơn, cần tổ chức việc cứu tế để bảo đảm đời sống. Trong chính sách huy động sức dân, cần quán triệt tinh thần lời dạy của Hồ Chủ Tịch: "Đối với các dân tộc ít người, có vùng bồi dưỡng đi đôi với động viên; có vùng bồi dưỡng nhiều, động viên ít; có vùng trước mắt bồi dưỡng, chưa động viên".

Cần nghiên cứu những đặc điểm của những vùng có dân tộc ít người để tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp cho thích hợp.

3. Phát động quần chúng vạch mặt và thanh toán các tổ chức phản động, củng cố vững chắc an ninh chính trị.

Tiếp tục thi hành Chỉ thị 04-TW của Trung ương, thanh toán các tổ chức phản động còn lại để nhanh chóng ổn định tình hình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển các vùng dân tộc. Kiên trì phát động quần chúng, phân rõ bọn đầu sỏ phản động ngoan cố với những người lầm đường, bị lừa gạt đi theo bọn phản động, thực hiện tốt chính sách khoan hồng đối với những người đã hối cải trở về với nhân dân, đồng thời bao vây truy quét bọn đầu sỏ ngoan cố. Tích cực xây dựng và củng cố cơ sở chính trị (cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, công an, dân quân...) và đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.

Các địa phương không trực tiếp thi hành Chỉ thị 04-TW cũng phải nắm vững tinh thần chỉ thị, đề cao cảnh giác, giữ vững và củng cố an ninh chính trị và trị an biên giới.

4. Công tác văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội:

- Về văn hóa: phát triển các hoạt động văn hóa, thông tin, đẩy mạnh phong trào văn hóa quần chúng. Tăng cường các hình thức hoạt động văn hóa như phát hành sách báo, phát thanh, triển lãm, văn công, điện ảnh, đèn chiếu...; chú ý sử dụng tiếng nói, chữ viết dân tộc và các hình thức hoạt động lưu động để đi sâu vào các vùng cao, xa xôi, hẻo lánh.

Phát huy những phong tục tập quán tốt, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng kiên quyết vạch mặt và trừng trị bọn phản động đội lốt tôn giáo. Vận động đồng bào các dân tộc ít người tự giác cải tạo những phong tục tập quán có hại cho sức khỏe, cho sản xuất, cho nòi giống; đấu tranh xóa bỏ những ảnh hưởng của văn hóa thực dân đồi trụy; vận động xây dựng nếp sống mới: ăn sạch, uống sạch, ở sạch.

- Về giáo dục: Yêu cầu cấp bách là nhanh chóng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đẩy mạnh phong trào xóa nạn mù chữ, làm tốt công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ, đảng viên.

Phát triển giáo dục phổ thông bằng những hình thức trường lớp phù hợp, chú ý mở loại trường thanh niên vừa học, vừa làm, trường thiếu nhi vùng cao. Nhanh chóng mở loại các loại trường chuyên nghiệp và trường đại học ở Tây-nguyên.

- Đối với tiếng nói và chữ viết dân tộc: Chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tiếng nói, chữ viết của tất cả các dân tộc, và tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều phải học và dùng tiếng phổ thông và chữ quốc ngữ là ngôn ngữ chung của cả nước, để có điều kiện mau chóng tiếp thụ kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật.

Đối với những dân tộc ít người đã có chữ viết riêng, các ngành có trách nhiệm và các địa phương phải thực hiện những điều đã được quy định trong Nghị quyết 153/CP của Hội đồng Chính phủ phù hợp với tình hình miền Nam.

- Về y tế: Trước mắt phải phòng chống các dịch bệnh, hạn chế tiến tới xóa bỏ những bệnh nguy hiểm như sốt rét cơn, bệnh đường ruột, lao phổi, ghẻ cóc, hoa liễu... Đối với những người mắc bệnh hủi, cần khẩn trương cách ly hoặc tập trung lại ở một chỗ riêng.

Phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh, chú ý xây dựng các công trình vệ sinh: hố xí, giếng nước, nhà tắm...; củng cố các cơ sở y tế hiện có; tổ chức mạng lưới trạm y tế, hộ sinh xã, khuyến khai thác và sử dụng thuốc địa phương; vận dụng thực hiện Nghị quyết 156/CP đối với các vùng cao, xa xôi, hẻo lánh.

- Về công tác xã hội: Kịp thời giúp đỡ về đời sống cho nhân dân những vùng còn nhiều khó khăn, các vùng căn cứ cũ, săn sóc chu đáo thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng. Quan tâm đầy đủ đến các trẻ mồ côi, những người già yếu neo đơn, những người tàn tật và những nạn nhân chiến tranh khác.

5. Ra sức củng cố các tổ chức cơ sở và đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc.

Phải thông qua phát động quần chúng khôi phục và phát triển sản xuất, thực hiện định canh, định cư, trấn áp phản cách mạng để phát hiện và bồi dưỡng những người ưu tú, đưa vào các tổ chức cơ sở, mặt khác làm trong sạch và củng cố các tổ chức chính quyền, đoàn thể quần chúng và tổ chức Đảng.

Đối với những cơ quan có tính chất tiêu biểu, có nhiều quan hệ với quần chúng, cần bố trí cán bộ dân tộc ít người tham gia.

Cần nắm vững và làm tốt công tác dân vận và mặt trận, phát huy vai trò các tổ chức mặt trận, nông hội, thanh niên, phụ nữ, phụ lão và các tổ chức tôn giáo yêu nước.

Đối với các tổ chức cơ sở Đảng, cần phân loại chi bộ và đảng viên để có kế hoạch nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chính trị, nâng cao năng lực công tác. Những nơi chưa có hoặc còn ít đảng viên, phải đưa cán bộ có năng lực về xây dựng và củng cố cơ sở Đảng một cách khẩn trương và vững chắc.

Then chốt của việc xây dựng và củng cố cơ sở chính trị là vấn đề cán bộ. Nắm vững tinh thần Chỉ thị 216 của Trung ương, phấn đấu “xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán vững về chính trị, tuyệt đối trung thành và chấp hành đường lối chính sách của Đảng, có năng lực lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện”.

Trước mắt phải hết sức coi trọng việc xây dựng cốt cán ở cơ sở. Đối với những người còn trẻ tuổi và đã qua chiến đấu hoặc công tác có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng thành cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên môn. Tích cực đào tạo cán bộ dân tộc ở địa phương, đồng thời điều thêm cán bộ nơi khác tăng cường cho các vùng dân tộc. Tiếp tục lựa chọn, giáo dục và sử dụng hợp lý những công chức và trí thức dân tộc ít người do chế độ cũ để lại.

6. Tăng cường chỉ đạo công tác dân tộc.

Thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể quần thể quần chúng. Các cấp ủy và Ủy ban nhân dấn các cấp phải trực tiếp chỉ đạo công tác dân tộc ở địa phương. Các ngành chuyên môn, các đoàn thể quần chúng phải chỉ đạo thực hiện tốt chính sách dân tộc trong công tác của mình ở các vùng dân tộc.

Về tổ chức cơ quan giúp cấp ủy và Ủy ban nhân dân chỉ đạo công tác dân tộc ít người, nay tạm thời quy định như sau:

- Ở những tỉnh đã có tổ chức làm công tác dân tộc thì giữ nguyên tố chức đó. Ở những tỉnh có ban Khơ-me vận thì thay đổi thành Ban dân tộc.

- Ở những tỉnh chưa có tổ chức làm công tác dân tộc thì giao cho Ban dân vận mặt trận giúp cấp ủy làm công tác dân tộc.

Ban dân tộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn về nội dung và phương pháp công tác cho các ban hoặc bộ phận công tác dân tộc ở các tỉnh miền Nam thi hành chỉ thị này.

T/M BAN BÍ THƯ

Đã ký: NGUYỄN DUY TRINH

(Văn kiện của Đảng và Nhà nước về Chính sách Dân tộc (1960-1977), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr. 54-60.)