Chỉ thị về việc phát động quần chúng ở vùng dân tộc thiểu số (30/5/1955)

03:44 PM 31/10/2015 |   Lượt xem: 12367 |   In bài viết | 

Gửi: LIÊN KHU UỶ VIỆT BẮC

Đợt này Liên khu uỷ Việt Bắc phát động giảm tô và cải cách ruộng đất trong 110 xã miền núi có đồng bào Nùng, Thổ, Mán, Mường, v.v... thuộc ba tỉnh Lạng-sơn, Bắc-giang, Phú-thọ. Tình hình ở Lạng-sơn, Bắc-giang có nhiều vấn đề phức tạp: thổ phỉ, biệt kích, mâu thuẫn sâu sắc giữa các dân tộc, v.v...

Lãnh đạo phát động quần chúng ở những vùng này ngoài những chỉ thị, kinh nghiệm phát động ở vùng dân tộc thiểu số đã có trước đây, nay phải chú trọng mấy vấn đề sau đây:

I- VẤN ĐỀ BIỆT KÍCH, PHẢN ĐỘNG

a) Biệt kích ở Lạng-sơn và ở Bắc-giang có nhiều. Gần đây chúng phân tán trà trộn trong nhân dân, nhưng từng lúc lại tập trung từng nhóm hoạt động vũ trang vào ban đêm, phá hoại đường sắt, giết hại nông dân. Quần chúng rất khiếp sợ, đêm hôm đi lại phải đem theo vũ khí phòng thân. Ở xã Tru-hữu (Bắc-giang) quần chúng đã phát hiện 3 tên địa chủ có tới 42 tay súng. Nhưng cán bộ tê liệt cảnh giác cho là không có gì. Một số ít cán bộ thấy chúng hoạt động thì lại sợ, dè dặt không dám truy tìm. Hai khuynh hướng đó đều sai, phải uốn nắn kịp thời. Phải làm cho cán bộ nắm vững phương châm: "Kết hợp với phát động quần chúng quét bọn địch có vũ trang". Nơi nào địch vũ trang hoạt động thì ta cũng phải dùng vũ trang để tiễu trừ.

Cần áp dụng mấy cách sau đây để quét biệt kích:

1- Kêu gọi chúng: nếu hối cải khai tên (đăng ký) thì được khoan hồng. Nếu có công kêu gọi được đồng bọn ra khai tên thì được thưởng. Đem súng ra nộp được thưởng. Nên động viên những tên đã hối cải đi kêu gọi những tên khác. Nên giải thích chính sách khoan hồng, động viên thuyết phục những gia đình có chồng con làm biệt kích đi kêu gọi chồng con về làm ăn. Không nên dùng cách bắt biệt kích đã ra thú phải kiểm thảo nhận lỗi trước nhân dân, làm như thế những tên có tội sợ không dám ra thú. Nếu những biệt kích là bần cố nông thì phải phát động tư tưởng họ. Lấy việc tố khổ, truy nguyên tội ác mà cải tạo họ.

2- Nếu những tên nào không chịu ra khai tên mà vẫn còn hoạt động phá hoại thì dùng vũ trang mà tiêu diệt. Đối với biệt kích căn bản phải dựa vào quần chúng mà phát hiện, dựa vào quần chúng để làm tan rã hàng ngũ chúng. Khi cần thiết phải dùng lực lượng vũ trang để diệt nhưng chủ yếu cũng vẫn phải dựa vào quần chúng. Cho nên đối với vấn đề biệt kích cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích chính sách, dùng quần chúng để kêu gọi chúng đem vũ khí ra thú trở về làm ăn lương thiện.

3- Vũ khí của địa chủ phản động và biệt kích thì kiên quyết phát hiện và tịch thu.

Vũ khí của phú nông và nông dân lao động thì dùng cách mượn cho dân quân dùng. Có thể nghiên cứu cách lấy thứ lợi gì khác (thí dụ như muối, vải v.v.) đổi cho họ để lấy lại vũ khí.

Việc thu hồi vũ khí phải làm có kế hoạch và từng bước. Trước hết phải tập trung vũ khí của địa chủ và biệt kích, vũ khí của phú nông và nông dân thì dùng cách thuyết phục hoặc lấy thứ lợi khác bù cho và thu sau.

Súng săn, cung nỏ, săn bắn của nhân dân nói chung không đụng đến.

b) Đối với tổ chức phản động, gián điệp, với nguỵ quân, nguỵ quyền, không nên xử lý như đối với biệt kích.

Nói chung phản động ở những vùng này đều tham gia chỉ huy biệt kích, nhưng chỉ nên dùng cách thường làm trong phát động quần chúng, nghĩa là kết hợp với tìm cường hào gian ác mà phát hiện tổ chức phản động của chúng, chủ yếu là tìm ra những tên cốt cán trong tổ chức phản động, nguỵ quân, nguỵ quyền cũng chỉ tìm những tên chỉ huy (sĩ quan) đầu sỏ. Với tất cả bọn này thì nên nhằm vào những phần tử cốt cán, chỉ huy mà động viên, thuyết phục để chúng tự nguyện khai tên. Việc khai tên này rất cần, làm được tốt chúng sẽ lộ mặt và quần chúng có thể xem xét sự hoạt động của chúng sau này.

II- VẤN ĐỀ VỀ CHÍNH SÁCH

a) Ở những xã phát động quần chúng của Lạng-sơn, Bắc-giang có 6 dân tộc: nhiều nhất là Nùng chiếm riêng một nửa, thứ hai là Thổ, ngoài ra lẻ tẻ có Hoa kiều, Kinh, Mán, Sán-chì. Ở 17 xã cải cách ruộng đất của Phú-thọ thì hầu hết là Mường, có một số xã có Mán Nga Hoàng. Nói riêng về Lạng-sơn (và cả Bắc-giang) trước đây bọn Quốc dân đảng Trung-quốc, sau đến Pháp dựa vào người Nùng để gây cơ sở gián điệp, thổ phỉ, biệt kích. Bọn cường hào gian ác và phản động đã dùng người Nùng để áp bức người Thổ và các dân tộc khác. Từ lúc giải phóng đến nay, người Thổ lại có địa vị hơn, có nhiều cán bộ hoạt động nắm giữ chính quyền. Do đó mà mâu thuẫn sâu sắc chủ yếu là giữa người Nùng và người Thổ.

Giải quyết những mâu thuẫn cần phải dùng mấy cách sau đây:

1- Sau khi bắt rễ, xâu chuỗi thì phải tập trung giải quyết vấn đề mâu thuẫn dân tộc. Trước hết giải quyết trong cốt cán, sau ra quần chúng. Dùng phương pháp tố khổ, truy nguồn gốc khổ, lấy quan điểm giai cấp mà phân tích quy tội ác vào giai cấp địa chủ và đế quốc để giáo dục quần chúng. Song mặt khác cũng phải nhận thấy trước đây cán bộ của ta đã có lúc làm sai chính sách (cán bộ và bộ đội vì tiễu phỉ mà đốt nhà hoặc giết lầm nông dân) khi quần chúng tố khổ, có thể họ nói ra những việc đó. Gặp trường hợp này ta không nên truy những cán bộ đã phạm sai lầm, mà chỉ huy đội công tác phải không khéo thuyết phục quần chúng, chú trọng những gia đình bị thiệt hại, chỉ cho quần chúng thấy nguyên nhân những việc đó là do đế quốc địa chủ gây ra và có thể xin lỗi trước quần chúng về những việc đưa qua. Những cán bộ địa phương nào đã phạm sai lầm về việc này thì cần điều đi nơi khác, nhưng không phải vì thế mà đả kích họ.

2- Tới khi xét xử cường hào gian ác lại cần tập trung hơn nữa để giải quyết vấn đề mâu thuẫn dân tộc. Phải đặc biệt chú trọng:

- Chỉ được xét xử cường hào gian ác nào mà dân tộc có tên cường hào đó căm ghét, nếu cường hào gian ác là người Nùng, nhưng người Nùng chưa căm ghét, chỉ có người Thổ yêu cầu đấu thì không được xử án. Ngược lại cũng thế. Xét xử cường hào gian ác phải lấy dân tộc họ là chính. Cũng phải do cốt cán của dân tộc họ xâu chuỗi sang các khổ chủ dân tộc khác thì cuộc xử án mới tốt, mới đảm bảo thắng lợi của cuộc đấu tranh giai cấp. Nếu đem xử một tên cường hào gian ác mà dân tộc họ không tán thành thì lại phát sinh vấn đề mâu thuẫn dân tộc thêm sâu sắc.

Về tổ chức bắt rễ, bồi dưỡng cốt cán, cử đại biểu, cử người vào các cơ quan lãnh đạo, người dân tộc nào cũng phải được chú ý.

Phải khắc phục tư tưởng dân tộc hẹp hòi của cán bộ, nhất là thành kiến của cán bộ Thổ đối với Nùng. Tư tưởng đó không khắc phục rất dễ mắc nhiều lệch lạc trong chông tác: bắt rễ người Thổ nhiều hơn người Nùng, thẩm tra rễ người Thổ thì rộng rãi, thẩm tra rễ người Nùng thì khắt khe, v.v...

b) Ngoài ra đối với một số có tiếng tăm, uy tín lớn thuộc tầng lớp trên cũng phải có sự chiếu cố thích đáng. Khu và Đoàn uỷ phải nắm trước một số những người nào và có kế hoạch lãnh đạo cho các đội.

Đặc biệt phải để ý tới vấn đề thầy mo, vì những người này có nhiều quan hệ về tín ngưỡng đối với quần chúng, những người này thường dựa vào mê tín của quần chúng mà sống bằng cách bóc lột, nhưng nếu họ không có tội ác lớn, đại đa số quần chúng không yêu cầu đấu tranh thì nên châm chước. Khi đem xét xử thầy mo nào phải do Khu quyết định.

Chính sách dân tộc thiểu số Trung ương đã có quy định. Trên đây chỉ nêu một số vấn đề cụ thể để Liên khu uỷ nghiên cứu và chú ý lãnh đạo các Đoàn phát động quần chúng. Vấn đề dân tộc thiểu số là một vấn đề quan trọng không những giữa các dân tộc mâu thuẫn sâu sắc mà địch cũng dựa vào đó để thực hành phá hoại. Cần phải lấy những kinh nghiệm phát động quần chúng dân tộc thiểu số trước đây và nắm vững mấy vấn đề trên để áp dụng.

T/M. BAN BÍ THƯ

Đã ký: Hoàng-quốc-Việt

(Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 69-74.)