Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III năm 2019: Phát huy truyền thống, hội nhập và phát triển bền vững

03:53 PM 27/09/2019 |   Lượt xem: 3838 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội

Đại hội có sự tham dự của 250 đại biểu đại điện cho toàn thể đồng bào DTTS đang sinh sống tại 13 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Nam và 180 đại biểu khách mời đến từ nước bạn Lào, các địa phương lân cận và các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2014-2019, khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc tỉnh Quảng Nam. Đồng thời cỗ vũ, khích lệ đồng bào các DTTS tỉnh nhà ra sức thi đua thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đề ra và hướng tới Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Quang cảnh Đại hội

Theo báo cáo chính trị tại Đại Hội, tỉnh Quảng Nam có 15 huyện, 01 thị xã và 02 thành phố; trong đó có 09 huyện miền núi (02 huyện có chung đường biên giới với nước bạn Lào). Tổng diện tích khu vực miền núi 7.760,7km2 (chiếm 74,06% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Đây là địa bàn cư trú lâu đời của 37 DTTS như: Cơ tu, Cor, Giẻ - Triêng, Xê đăng... và một bộ phận các DTTS khác đến từ phía bắc như: Tày, Nùng, Thái... Đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam có 139.060 người, chiếm 9,25% dân số toàn tỉnh.

Đồng bào các dân tộc nơi đây có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; có truyền thống yêu nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Các dân tộc đều có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc riêng, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa. Đặc biệt,khu vực miền núi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, du lịch và là vùng có vị trí chiến lược đối với an ninh, quốc phòng.

Những năm qua, vùng DTTS của tỉnh Quảng Nam luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm trên tất cả các lĩnh vực nên đã có sự chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường, trạm... ngày càng được hoàn thiện; các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và thay đổi diện mạo miền núi; các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa đã góp phần nâng cao dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và chăm sóc sức khỏe cho người dân; các công tác như: Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách xóa đói, giảm nghèo; xắp xếp, bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo vệ, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng; phát triển chăn nuôi, hỗ trợ sản xuất; phát triển du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp... luôn được chú trọng triển khai và đẩy mạnh thực hiện.

Nhờ triển khai kịp thời và đồng bộ các chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam giảm đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo miền núi trong tỉnh giảm bình quân 6,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ ngèo vùng DTTS giảm 6,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi đạt 16 triệu đồng/người/năm, tăng 06 triệu đồng so với năm 2014.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho các tập thể...

...và các cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác dân tộc giai đoạn 2014-2019.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp của tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách dân tộc trong gia đoạn vừa qua. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực, đồng bào luôn đoàn kết có ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và chủ động trong lao động sản xuất và luôn có ý thức vươn lên để thoát nghèo.

 “Quảng Nam là vùng đất anh hùng, đồng bào các dân tộc có truyền thống yêu nước, vùng đất có bề dầy lịch sử văn hóa, với nhiều di sản văn hóa thế giới, là vùng đất địa linh - nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước. Đồng bào DTTS Quảng Nam có tính cộng đồng cao, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán, có nét đặc trưng riêng và có niềm tin son sắt với Đảng, Nhà nước, có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong công cuộc xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước và thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, từ đó nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng – Nhà nước. Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến khu vực miền núi, thông qua những chính sách phù hợp đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội là động lực để vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh rút dần khoảng cách với miền xuôi”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì cuộc sống của đồng bào DTTS vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, vì vậy, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đề nghị tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc về quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó là phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS; tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ là người DTTS; kết hợp phát triển KT - XH với đảm bảo ANQP; quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS.

Dịp này, thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Thứ  trưởng, Phó  Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho 05 tập thể, 18 cá nhân; UBND tỉnh Quảng Nam cũng trao Bằng khen cho 03 tập thể và 23 cá nhân đã có thành tích xuất sắc đối với công tác dân tộc.

Đại hội cũng bầu ra 12 đại biểu tiêu biểu chính thức, 02 đại biểu dự khuyết tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II.

(Lê Phương - Báo Dân tộc và Phát triển)