Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phía Nam
12:08 AM 06/04/2019 | Lượt xem: 2188 In bài viết |Chiều 5/4, tại TP Cần Thơ, Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam nhân dịp đến dự Họp mặt, mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 của đồng bào Khmer Nam bộ.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng dự và phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở, sụt lún đất ven sông, ven biển; suy giảm nguồn nước, nguồn cát, nguồn lợi thủy sản. Các quy hoạch còn thiếu tính đồng bộ, liên kết... Vấn đề đặt ra cho vùng ĐBSCL là cần có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp phải toàn diện, căn cơ, đồng bộ hơn. Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL. Cần tập trung, xem xét thấu đáo các mô hình phát triển hiện đại, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp mang tính lâu dài, phù hợp với thực tiễn vùng…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT- Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc các bộ, ban ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và những vấn đề nổi lên của vùng ĐBSCL cũng như các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong thời gian tới.
Thời gian qua, các địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Nhờ đó, đã có sự thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy (chủ yếu là lúa) sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ lượng sang chất.
Toàn cảnh Hội Nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã báo cáo Thủ tướng một số chính sách dân tộc và công tác dân tộc đã triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Đặc biệt, Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ chủ trì và đang thực hiện xây dựng Đề án tổng thể về đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, để trình Quốc hội thực hiện vào năm 2021. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc tổ chức Họp mặt Tết cổ truyền của đồng bào Khmer năm nay với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các DTTS nói chung, dân tộc Khmer nói riêng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ĐBSCL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển chung của cả nước. Những năm qua Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng. Quý I/2019, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ có sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với các khu vực kinh tế khác, ĐBSCL vẫn là một trong những điểm yếu còn nhiều khó khăn thách thức. Trong đó nổi bật nhất là các vấn đề về sản xuất nông nghiệp - ứng phó với biển đổi khí hậu và hạ tầng giao thông. Đây được xem là điểm nghẽn đối với ĐBSCL.
“Cần tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Khmer. Vấn đề quan hệ đối ngoại, đoàn kết dân tộc, an ninh quốc gia cần được quan tâm và có những giải pháp cụ thể, hiệu quả. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về đất đai, tài nguyên nước, thuế để tạo sự đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, thị trường, khuyến khích hỗ trợ, thu hút sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cơ chế điều phối, tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hạnh Nguyên (Báo DT&PT)