Một số vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững dân tộc Mông ở Việt Nam

06:13 PM 03/09/2020 |   Lượt xem: 2056 |   In bài viết | 

Quang cảnh phiên họp của Hội đồng

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài “Một số vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững dân tộc Mông ở Việt Nam” nhằm làm rõ hiệu quả, tác động của chính sách phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH); nhận diện những vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững của cộng đồng dân tộc Mông ở nước ta hiện nay; từ đó đề xuất quan điểm, giải pháp, hoàn thiện chính sách nhằm phát triển bền vững dân tộc Mông ở Việt Nam đến năm 2030.

Thời gian qua, các chủ trương, chính sách đặc thù đã đem lại những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc Mông. Công tác tuyên truyền, giáo dục được chú trọng, giúp đồng bào tin tưởng và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhận thức rõ hơn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Mông đã có sự cải thiện rõ nét, cơ sở hạ tầng thiết yếu có bước thay đổi tương đối toàn diện. Trên các lĩnh vực kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, công tác định canh định cư có nhiều chuyển biến tích cực; tình trạng di dân tự do đã bước đầu được khắc phục; nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo đời sống cho đồng bào...

Qua các kết quả nghiên cứu và dự báo về tình hình vùng dân tộc Mông, đề tài đã đưa ra quan điểm, định hướng về phát triển bền vững dân tộc Mông gồm một số nhóm giải pháp cụ thể như: về lĩnh vực kinh tế (phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững); về lĩnh vực xã hội (giáo dục - đào tạo, ngôn ngữ, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa - thông tin, giải pháp giải quyết vấn đề di cư tự phát, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tôn giáo và tín ngưỡng); về củng cố hệ thống chính trị cơ sở và tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông; lĩnh vực môi trường...

Đánh giá Ban Chủ nhiệm Đề tài đã nghiêm túc tiếp thu, điều chỉnh theo các yêu cầu của nghiệm thu cấp cơ sở, một số thành viên Hội đồng đã trao đổi để hoàn thiện Đề tài. Trong đó, một số ý kiến đề nghị: đánh giá sâu hơn các kết quả nghiên cứu trước đây; luận giải, phân tích rõ vấn đề để làm nổi bật những điểm mới qua các giai đoạn, thể hiện tính đa dạng giữa các vùng, các nhóm dân tộc Mông; khai thác kỹ hơn các yếu tố tộc người, sự thích ứng qua quá trình vận động và phát triển...

Phát biểu tại Hội đồng, TS. Nguyễn Lâm Thành đề nghị Báo cáo của Đề tài cần cập nhật thêm các số liệu mới nhất; chuẩn hóa rõ hơn một số thuật ngữ, phương pháp luận và cách tiếp cận. Tăng cường sự kết nối, phân tích giữa các số liệu và nội dung nghiên cứu. Làm rõ nội hàm của vấn đề phát triển bền vững theo yêu cầu mới và phân tích các nhóm chính sách để nhận diện một cách toàn diện các vấn đề đặt ra, để từ đó Đề tài sẽ có các đề xuất, kiến nghị xác đáng và phù hợp, góp phần vào công tác đánh giá, xây dựng và triển khai chính sách trong phát triển bền vững dân tộc Mông ở Việt Nam.

Đề tài được đánh giá loại: Đạt và yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện.