Nâng cao năng lực lập kế hoạch và dự toán ngân sách có trách nhiệm giới

03:04 PM 17/07/2018 |   Lượt xem: 2347 |   In bài viết | 

Toàn cảnh khóa tập huấn

Tham gia khóa tập huấn có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị thuộc UBDT; lãnh đạo Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc huyện đến từ các tỉnh: Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang.

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số cho biết: Ngân sách có trách nhiệm giới là cách thức quản lý tài chính công nhằm đảm bảo việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả dựa trên nhu cầu và sự ưu tiên của cả nam và nữ, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc.

Trong những năm qua, UBDT đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chương trình, chính sách thúc đẩy sự phát triển vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, một số chính sách đã được ban hành và có hiệu lực nhưng kinh phí thực hiện rất khiêm tốn, một số chính sách có hiệu lực gần hai năm nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện; quá trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách có trách nhiệm giới trong xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của UBDT còn hạn chế. Cụm từ “lập ngân sách có trách nhiệm giới” còn rất mới với nhiều bộ, ngành và các cơ quan trong tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện chính sách. Vì vậy, cán bộ làm công tác dân tộc cần được tiếp cận, nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc lập ngân sách có trách nhiệm giới, qua đó giúp nâng cao hiệu quả trong xây dựng và thực thi các chính sách dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số phát biẻu khai mạc khóa tập huấn

Tại khóa tập huấn, học viên đã được nghe các chuyên gia, giảng viên giới thiệu, truyền đạt các kiến thức, kỹ năng cũng như các phương pháp, công cụ liên quan đến việc lập ngân sách có trách nhiệm giới, cùng với đó các học viên được trực tiếp tham gia trao đổi, phân tích, thảo luận xoay quanh các chủ đề như: Thảo luận và thực hành phân tích giới trong đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình 135; những kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra, thách thức về bình đẳng giới trong quá trình thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2010-2015; giới thiệu về công cụ phân tích giới (phân tích giới trong nông nghiệp); phân tích sự cần thiết, cơ sở pháp lý, các bên tham gia trong quá trình thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới; thảo luận về công cụ phân tích ngân sách từ góc độ giới...

Khóa tập huấn đã giúp các học viên được nghiên cứu, nắm bắt các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng xoay quanh việc lập kế hoạch và dự toán ngân sách có trách nhiệm giới trong thực hiện Chương trình 135 nói riêng và các chính sách dân tộc nói chung, giúp thực hiện tốt các nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình ở địa phương, góp phần triển khai hiệu quả mục tiêu của các chính sách dân tộc cũng như các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái nói riêng ở vùng DTTS và miền núi.

Xuân Thường