Tọa đàm Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc (2013-2018)
09:02 PM 12/12/2018 | Lượt xem: 8612 In bài viết |Chiều 12/12, tại Hà Nội, Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) tổ chức tọa đàm Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc (2013-2018). Tham dự buổi tọa đàm có các nhà khoa học, chuyên gia về dân tộc có liên quan và nhóm xây dựng Báo cáo. PGS. TS Trần Trung, quyền Giám đốc Học viện Dân tộc và TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc và miền núi, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đồng chủ trì tọa đàm.
Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 về Chiến lược Công tác dân tộc (CTDT) đến năm 2020 và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược CTDT. Cùng với Nghị định 05/2011/NĐ-CP và các văn bản điều hành khác của Chính phủ, hệ thống quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ toàn diện trên các lĩnh vực của Chiến lược CTDT là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chính sách dân tộc, bố trí ngân sách, huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng thời khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ nước ngoài để giải quyết các vấn đề về bình đẳng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ…
Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược CTDT tập trung đánh giá một số nội dung như: kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu và các chương trình, đề án giao các bộ, ngành; thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện Chiến lược; đề xuất các giải pháp khả thi để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược đến năm 2020.
Tính đến nay, đã có trên 20 nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược CTDT được ban hành thành các chính sách cụ thể như: Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững; chính sách Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015; chính sách Hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào DTTS đến năm 2015; chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng DTTS giai đoạn 2014-2020; Đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên người DTTS nghèo, cận nghèo thi đỗ vào các trường đại học; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016-2025; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020; Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025… Đồng thời, qua chủ trương của Chiến lược CTDT đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính trong nước, của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ nước ngoài đầu tư cho vùng DTTS.
Trong 5 năm qua, các địa phương vùng DTTS đã ban hành nhiều Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 449/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng các đề án, chính sách đặc thù huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa để triển khai công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS.
Theo kết quả rà soát, nhiều chỉ tiêu đã đạt hoặc sẽ đạt mục tiêu của Chiến lược CTDT đề ra như: trẻ em trong độ tuổi được đến trường; tỷ lệ cán bộ DTTS trong hệ thống cơ quan hành chính; tỷ lệ giảm nghèo bình quân; thu nhập bình quân; hộ DTTS sử dụng điện thường xuyên; thôn, bản có Internet; hộ DTTS được xem truyền hình; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, góp ý cho Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc (2013-2018) vào một số nội dung như: khung phân tích với một số chỉ tiêu đánh giá cụ thể; tác động của bối cảnh mới vào quan điểm, mục tiêu của Chiến lược; cập nhật số liệu một cách thống nhất; phân tích, đánh giá kỹ hơn sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương; nguyên nhân khách quan và chủ quan của một số chỉ tiêu chưa đạt và nội dung giải pháp, bài học kinh nghiệm… để góp phần cung cấp các luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp đột phá cho việc xây dựng chính sách giai đoạn tiếp theo.
Ngọc Hà