UBDT nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ đổi mới
07:30 PM 14/10/2020 | Lượt xem: 3604 In bài viết |Chiều 14/10/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức phiên họp của Hội đồng Tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ: Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trong thời kỳ đổi mới. TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng. Cùng dự có TS. Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; các thành viên Hội đồng; đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ và các nhà khoa học.
Đề tài cấp quốc gia “Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng DTTS trong thời kỳ đổi mới” là nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20). Đề tài do PGS. TS. Đỗ Thị Hải Hà là Chủ nhiệm; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị chủ trì.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS. Chính sách đã tác động trực tiếp đến đời sống KT-XH vùng DTTS; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, mức độ đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản thấp dẫn đến chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS không cao.
Do vậy, việc thực hiện nghiên cứu “Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng DTTS trong thời kỳ đổi mới” nhằm đánh giá thực trạng đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người DTTS hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp chính sách không chỉ góp phần đưa ra những luận giải mang tính khoa học nhằm giải quyết khó khăn trong quá trình cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, mà còn đảm bảo điều kiện cần thiết để người dân vùng DTTS tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa, tiến tới giảm nghèo bền vững, từ đó thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ đối với người DTTS.
Đề tài triển khai đánh giá thực trạng đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng DTTS ở Việt Nam cho 5 nhóm dịch vụ: Giáo dục (mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS, xóa mù); Y tế (y tế dự phòng, khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở và bảo hiểm y tế); Nhà ở (hỗ trợ giao đất, cho vay tín dụng và hỗ trợ trực tiếp nhằm giúp người dân có nhà ở); Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (nước sinh hoạt, nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh); Thông tin (những thông tin cần có, hạ tầng cơ sở phục vụ cung cấp thông tin). Ngoài công tác đánh giá tác động của đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản đến chất lượng cuộc sống của người dân vùng DTTS, Đề tài triển khai hệ thống hóa và đánh giá thực trạng, quá trình thực hiện các chính sách về đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng DTTS từ năm 1986 đến nay. Từ đó, xác định nhu cầu đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản của người dân vùng DTTS đến năm 2025.
Từ các hoạt động nghiên cứu, Đề tài đã đề xuất Hệ thống tiêu chí đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng DTTS. Mỗi tiêu chí đánh giá được cụ thể hóa bằng các chỉ số, gắn với những quy định trong Chuẩn nghèo đa chiều, Chiến lược Công tác dân tộc và Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Đề tài cũng đưa ra các phương hướng, mục tiêu và giải pháp chính sách đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người DTTS với các nhóm giải pháp cụ thể.
Đánh giá cao nỗ lực của Ban Chủ nhiệm đề tài đã triển khai nghiêm túc, có tính khoa học và thực tiễn, với nhiều điểm mới, phát hiện giá trị, các thành viên Hội đồng nhận định: Đề tài đã triển khai hoàn thành các nội dung nhiệm vụ, đề ra được định hướng, giải pháp theo yêu cầu. Một số ý kiến đề nghị phân tích sâu hơn theo hướng tiếp cận quyền của người DTTS; làm rõ hơn nội hàm của dịch vụ xã hội cơ bản; kết nối việc đánh giá với chuẩn nghèo đa chiều; phân tích thêm về mối quan hệ giữa Nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ và người dân; rà soát lại các chỉ tiêu phù hợp để thuận tiện trong thu thập và đánh giá; bổ sung một số chỉ số phản ánh chất lượng; các khuyến nghị đi sâu vào nội hàm đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản, với từng cơ quan, đầu mối cụ thể; tập trung hơn vào nguồn lực và tổ chức thực hiện...
Kết quả phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Xuất sắc” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu, hoàn thiện theo các ý kiến của các thành viên Hội đồng.