Tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho người nghèo
04:43 PM 29/12/2022 | Lượt xem: 4260 In bài viết |Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc NHCSXH đồng chủ trì hội nghị.
Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.
Trong suốt quá trình 20 năm thực hiện Nghị định 78, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự chủ động, triển khai tích cực của NHCSXH, tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị.
NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập, tổ chức giao dịch tại 10.435 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước. Hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã được tổ chức nền nếp, hiệu quả với phương thức "giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã" là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong 20 năm qua, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830.087 tỷ đồng.
Từ 8.631 tỷ đồng dư nợ nhận bàn giao của các ngân hàng, đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 279.732 tỷ đồng, tăng 271.101 tỷ đồng (gấp 32 lần). Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 21,1%. Hiện nay, gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Kết quả đó đã góp phần quan trọng tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trình bày báo cáo tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa VII (1992), Đảng ta đề ra chủ trương: "Phải trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, hình thành quỹ xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương trên cơ sở giúp dân và tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo".
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH được xây dựng có tính chất đặc thù, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam, phát huy vai trò quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội; đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phục vụ tốt cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
NHCSXH đã huy động được các nguồn lực tài chính một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng, bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ trong suốt 20 năm qua.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Đạt được những thành tích này, trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức Chính trị - xã hội, sự ủng hộ của nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế; đặc biệt là cống hiến nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, người lao động của NHCSXH bằng sự nỗ lực, tận tâm và ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Các đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Nhấn mạnh các kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả quan trọng và đóng góp lớn của tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua, góp phần thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân của cả nước.
Điểm ra một loạt những thách thức của nền kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững là rất nặng nề, để "không ai bị bỏ lại phía sau". Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chúng ta cần xác định việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển KT-XH của Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương nghiêm túc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kết luận của Ban Bí thư; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm như:
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội như huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội. Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển KT-XH của đất nước.
NHCSXH tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo...