Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW tại Bắc Kạn
03:20 PM 23/04/2019 | Lượt xem: 3492 In bài viết |Tiếp tục chuyến công tác, ngày 23/4/2019, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW đã làm việc với Tỉnh ủy Bắc Kạn. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT), Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW làm Trưởng đoàn. Cùng dự có Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, các bộ: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư. Về phía tỉnh Bắc Kạn có ông Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Đoàn kiểm tra đã nghe ông Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn trình bày báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc và báo cáo Tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (Khóa VII) về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.
Theo báo cáo: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc; củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được cải thiện, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt… cơ bản đáp ứng được nhu cầu của đồng bào DTTS. Tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm dần qua các năm. Sự nghiệp giáo dục và đào tào ở vùng DTTS có nhiều tiến bộ. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, nâng cao. Công tác định canh định cư và việc bố trí đất sản xuất được quan tâm, giúp ổn định cuộc sống của đồng bào, giảm hẳn tình trạng di cư tự do. Đồng bào các DTTS đã phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành các vùng kinh tế chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung. Giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS được bảo tồn và phát triển.
Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực vươn lên của đồng bào, 15 năm qua, bộ mặt nông thôn, miền núi, đời sống vùng DTTS của tỉnh Bắc Kạn đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa, thư viện xã; 96,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã được phủ sóng phát thanh, điện thoại di động; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 32,13% (năm 2010) xuống còn 21,88% (năm 2018)… Các lĩnh vực văn hóa-xã hội; giáo dục, y tế, công tác củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân… được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn bộc lộ một số hạn chế như: Cơ sở hạ tầng ở vùng DTTS nhiều nơi còn thiếu và chưa hoàn thiện, một số công trình xuống cấp, thiếu nguồn lực để cải tạo, nâng cấp. Kinh tế trong vùng DTTS còn chậm phát triển, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế; đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để, việc tiêu thụ hàng hóa khó khăn. Thu nhập không ổn định nên đời sống của đồng bào các DTTS còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao…
Về việc thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, trong 25 năm qua, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Mông đã được cải thiện rõ rệt. Tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo, phân bổ các nguồn lực và hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH như Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a, Quyết định 755… Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng các khu dân cư đồng bào Mông” với tổng mức đầu tư trên 85 tỉ đồng. Đã có 9 dự án sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai được triển khai thực hiện với số vốn trên 148 tỉ đồng. Các chính sách về giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, công tác an ninh-quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng dân tộc Mông được quan tâm đầu tư, triển khai có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực
Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc Mông trong tỉnh Bắc Kạn luôn tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị với Đoàn công tác Trung ương: Đề nghị Chính phủ xem xét cho tỉnh chuyển đổi một số diện tích đất rừng nghèo kiệt sang rừng kinh tế, tăng mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng, chi trả cho dịch vụ môi trường rừng. Tích hợp Chương trình xóa đói giảm nghèo và Nông thôn mới thành một chương trình Mục tiêu quốc gia. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Trong không khí cởi mở, thẳng thắn, các thành viên trong đoàn kiểm tra và tỉnh Bắc Kạn đã có những trao đổi, làm rõ một số nội dung trong việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Cụ thể là giải pháp kéo giảm ma túy và tội phạm ma túy; việc tích hợp chính sách, đánh giá tính hiệu quả của một số chính sách cần phát huy; công tác phát triển đảng viên, đoàn viên trong vùng DTTS. Một số chính sách đặc thù cho vùng đồng bào DTTS của tỉnh; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giải pháp tạo sinh kế, phát triển cây dược liệu, xóa đói giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó là một số giải pháp nâng cao chất lượng sống người dân tham gia trồng rừng, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, xóa mù chữ…
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những kết quả tỉnh Bắc Kạn đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 24-CT/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW. Đoàn cũng đánh giá rất cao những đề xuất, kiến nghị của tỉnh trong các phương án phát triển KT-XH trong thời gian tới, đặc biệt là việc phát triển kinh tế từ rừng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định: Tỉnh Bắc Kạn đã nghiêm túc triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 24-CT/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW. Kết quả đạt được toàn diện, vững chắc, rất đáng ghi nhận. Niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng không ngừng được củng cố và tăng cường. Các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, chung sống hòa thuận, giữ gìn được “hồn cốt” chất phác, thật thà. Thu nhập của đồng bào DTTS đã được nâng lên so với trước. Tuy nhiên, thực tế, Bắc Kạn vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức: Nhiều thôn bản chưa có chi bộ độc lập, tỉ lệ người mắc các tệ nạn xã hội còn cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự. Sự phát triển của các DTTS chưa đồng đều, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Trên cơ sở các ý kiến, đề xuất của địa phương, Đoàn công tác Trung ương sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW, đặc biệt trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư.
Về một số kiến nghị, đề xuất của địa phương về phát triển KT-XH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị tỉnh tổng hợp, gửi cho Ban Soạn thảo Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở xây dựng Đề án.
Minh Thu (Báo DT&PT)