Khai mạc Hội nghị tập huấn Bảo vệ môi trường năm 2018 tại Thanh Hóa
11:12 AM 19/10/2018 | Lượt xem: 3512 In bài viết |Sáng ngày 19/10/2018, tại tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn Bảo vệ môi trường năm 2018 cho 60 đại biểu là cán bộ Phòng Dân tộc các huyện, cán bộ xã và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước. Thừa ủy quyền của Lãnh đạo UBDT, ông Trần Văn Đoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Văn Đoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp nhấn mạnh: Trước tác động biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, UBDT đã tiến hành nhiều hoạt động như tuyên truyền, phổ biến nhằm góp phần nâng cao nhận thức về môi trường, thay đổi hành vi về BVMT của đồng bào DTTS và người dân vùng miền núi, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ cơ sở và các đại biểu người có uy tín là những hạt nhân, có vị trí, tiếng nói, luôn đi đầu và vận động người dân thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có nội dung BVMT.
Vùng DTTS và miền núi Thanh Hóa gồm 11 huyện miền núi và 07 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi, có diện tích tự nhiên hơn 8.000 km2, chiếm khoảng ¾ diện tích toàn tỉnh. Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền pháp luật về BVMT nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của công tác BVMT; xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều đề án, dự án về BVMT; xử lý nghiêm minh những vi phạm về BVMT… Nhiều mô hình xanh, sạch đẹp từ công sở, bệnh viện, trường học và khu dân cư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đạt hiệu quả.
Đại biểu NCUT phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã trao đổi: Cùng với những thành tựu đạt được, công tác BVMT của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Một số vấn đề đặt ra như: chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức thả rông; sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu sai cách; hố xí/nhà tiêu chưa hợp vệ sinh; nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, rừng) bị khai thác quá mức, không đúng cách; rác thải chưa được thu gom xử lý đúng quy trình; các cơ sở sản xuất, chế biến luồng, gỗ còn xả thải hóa chất chưa đúng quy định… Tất cả những vấn đề đó dẫn đến những hệ quả như: biến đổi khí hậu, mưa đá, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ô nhiễm nguồn nước… làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống và sản xuất của người dân.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu được trao đổi thông tin, chia sẽ kinh nghiệm và tìm hiểu về môi trường, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn; môi trường và sự phát triển bền vững ở vùng DTTS; công tác tuyên truyền, tổ chức vận động nhân dân BVMT tại gia đình và cộng đồng dân cư; vai trò, trách nhiệm của người dân trong BVMT và thực hiện chính sách dân tộc, giảm nghèo bền vững, nông thôn mới gắn với BVMT.
PV