Ủy ban Dân tộc kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện chính sách dân tộc tại Nghệ An và Thanh Hóa

04:54 PM 02/04/2019 |   Lượt xem: 5586 |   In bài viết | 

Đoàn công tác của UBDT gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với người dân tại Làng dân tộc Ơ Đu (xã Nga My, Tương Dương, Nghệ An)

Tại các địa phương, Đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trong đó việc thực hiện Đề án theo Quyết định 718/QĐ-TTg và Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) các dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người giai đoạn 2016-2025".

Qua kiểm tra, Đoàn đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm thông qua các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư cho vùng DTTS, kết quả kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc có bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 tăng 13% so với năm trước. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng, đặc biệt tại các địa bàn trọng yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, đồng bào các dân tộc luôn phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tuy vậy, các địa phương còn tồn tại một số thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH như: tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo cao, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xây dựng mô hình kinh tế gia trại, trang trại để xóa đói giảm nghèo chưa nhiều, quy mô còn nhỏ, lẻ, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững...

Tại tỉnh Nghệ An, Đoàn công tác đã đến thăm Làng dân tộc Ơ Đu tại xã Nga My, huyện Tương Dương. Tại đây, các nội dung, chương trình theo Quyết định 2086/QĐ-TTg đã được triển khai tốt, trong đó tập trung: (1) Đầu tư hạ tầng cơ sở (xây dựng hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt; xây dựng, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông nội bản; xây dựng lớp học kiên cố, đồng bộ nhà ở công vụ cho giáo viên; hỗ trợ xây dựng nhà ở); (2) Hỗ trợ phát triển sản xuất (giống gia súc có hiệu quả kinh tế, theo hướng chăn nuôi tạo ra hàng hóa; xây dựng 03 điểm chuồng trại; hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nuôi, trồng, phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ các thiết bị phục vụ sản xuất); (3) Bảo tồn bản sắc văn hóa (hỗ trợ khôi phục trang phục truyền thống; hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn lâu dài tiếng nói của dân tộc Ơ Đu và thành lập đội văn nghệ của bản để bảo tồn dân ca, dân vũ)...

Việc triển khai thành công Đề án phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu theo các mục tiêu đề ra sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

PV