Ủy ban Dân tộc triển khai xây dựng Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

10:45 AM 17/07/2021 |   Lượt xem: 10741 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chiến lược CTDT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Chiến lược CTDT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo phân công nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; đóng góp ý kiến về việc tổ chức tổng kết Chiến lược CTDT giai đoạn 2013-2020.

Các đại biểu nhìn nhận, Chiến lược CTDT thời gian qua đã làm chuyển biến tích cực, cơ bản về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội về CTDT, góp phần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Đời sống đồng bào đã được cải thiện một bước: Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4% năm; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng; giải quyết cơ bản vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rõ rệt; tình hình chính trị, xã hội ổn định, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, nền độc lập và chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, bức xúc đang đặt ra; CTDT vẫn còn những tồn tại, hạn chế; tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước. Trước tình hình đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi CTDT không ngừng đổi mới, mang tính chiến lược lâu dài, chủ động ứng phó với mọi thay đổi, tác động của tình hình trong nước và quốc tế.

Dự thảo Chiến lược CTDT giai đoạn mới được đồng chí Nguyễn Mạnh Huấn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (UBDT) thông qua tại cuộc họp cho thấy, Chiến lược CTDT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đề ra nhiệm vụ tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về CTDT trong tình hình mới; đổi mới phương thức quản lý nhà nước về CTDT, trong đó xác định và phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, các cơ quan địa phương trong thực hiện nhiệm vụ CTDT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ quan làm CTDT; tập trung phát triển kinh tế vùng DTTS&MN...

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Tham gia đóng góp ý kiến vào nội dung Dự thảo đề cương chi tiết Chiến lược CTDT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị của cơ quan UBDT, đồng thời cho rằng, Chiến lược CTDT giai đoạn mới cần làm rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; làm rõ vai trò đơn vị chủ trì và các đơn vị phối hợp trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược; cần đặt ra các nhiệm vụ trong lộ trình từ 2021-2045.

Một số ý kiến cũng đưa ra đánh giá về những hạn chế trong cách tiếp cận xây dựng Chiến lược CTDT giai đoạn trước đây khó nhìn thấy thứ tự ưu tiên hàng đầu, chính vì vậy nguồn lực dàn trải, không đủ. Vì vậy, trong việc xây dựng Chiến lược giai đoạn mới, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên cốt lõi, lĩnh vực bổ trợ, để từ đó xây dựng được hệ thống chỉ tiêu, mục tiêu Chiến lược phù hợp với nguồn lực.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh ghi nhận những ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu tham dự, đồng thời yêu cầu Ban Soạn thảo tiếp thu để làm rõ hơn các nội dung trong Đề cương Chiến lược CTDT giai đoạn tới.

Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh, mặc dù không lựa chọn được hết toàn bộ các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, nhưng đã lựa chọn tối đa các cơ quan liên quan để tham gia Ban Chỉ đạo.

Về nhiệm vụ và phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh để làm rõ vị trí, trách nhiệm, yêu cầu của Ban Chỉ đạo, tránh trùng lặp nhiệm vụ và phải giao hết việc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu cập nhật, bổ sung Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, đề ra lộ trình công việc, thời gian, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, sản phầm… và đạt đến mốc cuối cùng là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự thảo chi tiết Đề cương Chiến lược CTDT giai đoạn mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh yêu cầu Ban Soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, rà soát về bố cục, nội dung. Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu, nội dung Chiến lược CTDT giai đoạn mới phải cô đọng, đầy đủ, đảm bảo kế thừa những kết quả từ Báo cáo tổng kết Chiến lược CTDT giai đoạn 2013-2020, đồng thời đánh giá bổ sung những vấn đề mới, trong đó yêu cầu mục tiêu đến năm 2030 phải cụ thể, mục tiêu đến năm 2045 phải có tính định hướng; cần lưu ý từ ngữ, văn phong, thuật ngữ sử dụng trong Đề cương và trong Chiến lược phải đồng nhất, đảm bảo chính xác tuyệt đối.

Xuân Thường