Hát Then ở vùng cao Bắc Cạn
09:02 AM 06/06/2010 | Lượt xem: 4666 In bài viết |Hát then là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa các dân tộc nước ta. Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Bắc Cạn luôn trân trọng, gìn giữ và sử dụng hát then làm phong phú đời sống tinh thần.
Người "gieo mầm" hát then vào thế hệ trẻ
Ông Ma Văn Vịnh năm nay 68 tuổi, là giáo viên về hưu đã gần 20 năm ở bản Phiêng Dường, xã Yên Cư (huyện Chợ Mới, Bắc Cạn) yêu thích hát then và đàn tính từ thời trai trẻ. Bằng sự đam mê và trân trọng hát then, từ bốn năm nay ông Vịnh đã âm thầm và kiên trì tìm đến các nghệ nhân hát then cao tuổi ở ba xã vùng cao của huyện Chợ Mới là Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư để sưu tầm các bài hát then cổ. Sưu tầm được bài nào ông cẩn thận ghi chép lại, thuê người đánh máy, đóng làm bốn tập khổ giấy A4 khá dày dặn. Ông cho rằng việc sưu tầm những bài hát then cổ là cần thiết, vì các nghệ nhân cao tuổi biết hát then càng ngày càng ít đi, nếu không sưu tầm, ghi chép lại và truyền cho thế hệ trẻ thì hát then sẽ bị mai một, dần dần mất đi, lúc đó văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ dần bị lãng quên trong đời sống. Ông Vịnh cũng là người "đặt" lời, sáng tác một số bài hát then mới ca ngợi tinh thần lao động sản xuất, hát về cây chè tuyết, quê hương Yên Cư đổi mới được nhiều người thuộc, hát trong các dịp hội xuân, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Năm 2008 ông Vịnh tham mưu cho chính quyền xã ra quyết định thành lập "Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh" do ông làm chủ nhiệm. Ban đầu câu lạc bộ tập hợp hơn mười nghệ nhân hát then ở các xã Bình Văn, Yên Hân và Yên Cư, đến nay câu lạc bộ đã lên đến gần 30 người, trong đó có nhiều người tuổi còn rất trẻ. Ông Vịnh cho biết: "Câu lạc bộ được hình thành bằng sự yêu thích và niềm đam mê hát then, đàn tính của các thành viên, mặc dù không có khoản thù lao nào, nhưng câu lạc bộ vẫn hoạt động đều để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, tập luyện cho giọng hát thêm mượt mà, tiếng đàn thêm thuần thục ngọt ngào". Ðặc biệt, với tinh thần muốn bảo tồn hát then nên câu lạc bộ rất tích cực dạy hát, dạy đánh đàn tính cho thanh niên, thiếu niên. Bản thân ông Vịnh đã truyền sự đam mê hát then của mình cho nhiều cháu ở bản Phiêng Dường, nơi ông cư trú. Với sự kèm cặp của ông Vịnh mà tiếng đàn, lời hát của Ma Thị Hậu, Ma Thị Chiêm, Ma Thị Niên nay đã đằm thắm, ngân nga. Ông Vịnh rất vui khi đã đào tạo được lớp người hát then trẻ, họ sẽ là những nhân tố tích cực bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này ở vùng cao. Tối đến ở Phiêng Dường thật thanh bình, trong những ngôi nhà sàn vang vọng nhiều giọng hát then trong tiếng đàn tính ngân nga lúc trầm, lúc bổng của những nhóm thanh niên nam nữ.
Mỗi khi có hội diễn nghệ thuật quần chúng ở địa phương, Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh lại sôi nổi luyện tập, dập dìu chuẩn bị áo mũ đi biểu diễn. Năm 2009, ông Vịnh đưa Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh đi biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc tổ chức tại thị xã Bắc Cạn; đầu năm 2010 đi biểu diễn tại các lễ hội xuân ở Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư về ai cũng phấn khởi, hoạt động của câu lạc bộ sôi nổi hẳn vì nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc này được toàn xã hội tôn vinh, trân trọng đón nhận. Ông Vịnh còn làm "đạo diễn" để câu lạc bộ dàn dựng tiết mục "cấp sắc", bỏ tiền túi thuê thợ quay ca-mê-ra, dựng thành băng đĩa hình. Sau đó ông xin phép cơ quan có thẩm quyền để in sao ra nhiều đĩa hình đưa đi các hội xuân, chợ Tết ở địa phương vừa bán, vừa cho những người yêu thích hát then nhằm phổ biến, bảo lưu loại hình nghệ thuật này. Mặc dù bận với mưu sinh hằng ngày, nhưng niềm yêu thích và đam mê hát then chưa bao giờ vơi cạn. Ông Vịnh dành thời gian trồng bầu để lấy những quả già, đẹp, tròn làm đàn tính. Ðến nay ông đã làm được gần 40 chiếc đàn tính, bán rẻ, tiền bán đàn đủ bù đắp công sức làm ra, thậm chí có người đam mê nhưng không có đủ tiền thì ông tặng luôn. Trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn hiện nay, ông Vịnh là một trong hai người còn làm đàn tính.
Bảo tồn và phổ biến hát then
Ðồng bào dân tộc Tày, Nùng chiếm hơn 70% dân số cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, hát then là một nhu cầu sinh hoạt tâm linh, văn hóa, tinh thần không thể thiếu đối với họ. Những gia đình người dân tộc Tày, Nùng ở nông thôn có điều kiện kinh tế, đầu năm thường mời nghệ nhân về nhà hát then cầu lộc, cầu tài, mong ước những điều may mắn, khát vọng về cuộc sống bình yên. Những cuộc hát then như vậy chủ nhân thường mời anh em, họ hàng thân thích, hàng xóm gần gũi đến nghe, thưởng thức hát then, kết thúc bằng một bữa liên hoan vui vẻ, chan chứa tình người. Ông Ma Văn Vịnh cho biết: Ở xã Yên Cư có khoảng 20% số gia đình vào dịp đầu năm thường mời nghệ nhân về nhà hát then, riêng bản Phiêng Dường có 30 gia đình thì năm nào cũng có khoảng 20 gia đình làm như vậy. Ba xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư có hơn 30 nghệ nhân hát then, nhưng họ liên tục được mời, được đón đi hát then. Ðiều đó cho thấy, nghệ nhân hát then được trân trọng, hát then có sức sống mãnh liệt ở nông thôn, đặc biệt là ở những thôn, bản vùng cao. Ðó cũng chính là một cách bảo tồn hát then một cách tự nhiên, nhưng hiệu quả hiện nay ở Bắc Cạn.
Mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm vừa qua tỉnh Bắc Cạn đã có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến hát then trong xã hội. Ðoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh có nhiệm vụ biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Với ý thức trân trọng nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Ðoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh thường xuyên sưu tầm, dàn dựng nhiều tiết mục then cổ, cải biên nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng của nhiều làn điệu dân ca của dân tộc Tày, đặc biệt là hát then để phục vụ đồng bào thiểu số. Vì thế, mỗi khi đi lưu diễn phục vụ ở vùng sâu, vùng xa là được cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số nhiệt tình hưởng ứng, đồng tình. Cơ quan quản lý văn hóa ở các huyện trong tỉnh cũng có nhiều hình thức bảo tồn hát then, như hướng dẫn thành lập câu lạc bộ hát then ở các thôn, bản ở huyện Na Rì, thị xã Bắc Cạn nhằm tập hợp các nghệ nhân, những người biết hát và yêu thích hát then để luyện tập, phục vụ cộng đồng ở nơi cư trú. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chợ Ðồn còn dạy các em học sinh hát then, đánh đàn tính vào dịp các em được nghỉ hè. Ðội văn nghệ quần chúng bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (Ba Bể) tập hợp đội ngũ thanh niên nam nữ ở địa phương, được ngành văn hóa huấn luyện hát then, đánh đàn tính, may sắm trang phục để biểu diễn phục vụ du khách đến du lịch hồ Ba Bể. Hát then cùng với bảo tồn nhà sàn của người dân tộc Tày ở bản Pác Ngòi từ lâu đã là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Cạn Cao Sinh Hanh lo lắng: Các nghệ nhân hát then cao tuổi trên địa bàn tỉnh ngày càng ít dần, đồng thời hát then ngày nay chưa hấp dẫn một bộ phận thế hệ trẻ, vì họ không biết tiếng Tày nên không hiểu lời bài hát, dẫn đến không thích, không quan tâm, vì thế hát then đang có nguy cơ bị mai một.
Một trong những biện pháp bảo tồn hát then trong cộng đồng là, sưu tầm những bài hát then cổ, cải biên, sáng tác mới để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Phải có người làm đàn tính, vì đó là nhạc cụ không thể thiếu của hát then. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh hiện nay những người đam mê hát then và làm đàn tính như ông Ma Văn Vịnh không nhiều. Mặc dù ông Vịnh đã sưu tầm được hàng trăm bài hát then cổ, ông đã đánh máy, nhưng chưa dịch từ tiếng Tày ra tiếng phổ thông, chưa in thành sách để phổ biến rộng rãi, vì ông cho rằng việc dịch ra tiếng phổ thông rất kỳ công, một mình ông làm không nổi bởi tuổi đã cao, sức lực có hạn, dịch ra tiếng phổ thông rồi sợ không có kinh phí để in thành sách. Giám đốc Cao Sinh Hanh cũng thừa nhận: Việc bảo tồn và phát huy hát then trên địa bàn tỉnh đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, nguyên nhân là do kinh phí của tỉnh đầu tư cho lĩnh vực này rất ít ỏi, đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, có tâm huyết hạn chế.
Ðể bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật này tỉnh cần có đề án tổng thể để bảo tồn hát then trong cộng đồng, trong đó phải sưu tầm bằng được những tiết mục, bài hát then cổ đang có nguy cơ bị mai một. Ðồng thời, vận động đội ngũ văn nghệ sĩ, người yêu thích hát then cải biên then cổ, sáng tác mới, hình thức thể hiện mới trên cơ sở tôn trọng đặc trưng của loại hình nghệ thuật này để phù hợp thị hiếu thế hệ trẻ. Qua đó, giá trị của nét sinh hoạt văn hóa độc đáo này sẽ được gìn giữ, phát huy, phát triển và sáng tạo để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.
Ông Ma Văn Vịnh năm nay 68 tuổi, là giáo viên về hưu đã gần 20 năm ở bản Phiêng Dường, xã Yên Cư (huyện Chợ Mới, Bắc Cạn) yêu thích hát then và đàn tính từ thời trai trẻ. Bằng sự đam mê và trân trọng hát then, từ bốn năm nay ông Vịnh đã âm thầm và kiên trì tìm đến các nghệ nhân hát then cao tuổi ở ba xã vùng cao của huyện Chợ Mới là Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư để sưu tầm các bài hát then cổ. Sưu tầm được bài nào ông cẩn thận ghi chép lại, thuê người đánh máy, đóng làm bốn tập khổ giấy A4 khá dày dặn. Ông cho rằng việc sưu tầm những bài hát then cổ là cần thiết, vì các nghệ nhân cao tuổi biết hát then càng ngày càng ít đi, nếu không sưu tầm, ghi chép lại và truyền cho thế hệ trẻ thì hát then sẽ bị mai một, dần dần mất đi, lúc đó văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ dần bị lãng quên trong đời sống. Ông Vịnh cũng là người "đặt" lời, sáng tác một số bài hát then mới ca ngợi tinh thần lao động sản xuất, hát về cây chè tuyết, quê hương Yên Cư đổi mới được nhiều người thuộc, hát trong các dịp hội xuân, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Năm 2008 ông Vịnh tham mưu cho chính quyền xã ra quyết định thành lập "Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh" do ông làm chủ nhiệm. Ban đầu câu lạc bộ tập hợp hơn mười nghệ nhân hát then ở các xã Bình Văn, Yên Hân và Yên Cư, đến nay câu lạc bộ đã lên đến gần 30 người, trong đó có nhiều người tuổi còn rất trẻ. Ông Vịnh cho biết: "Câu lạc bộ được hình thành bằng sự yêu thích và niềm đam mê hát then, đàn tính của các thành viên, mặc dù không có khoản thù lao nào, nhưng câu lạc bộ vẫn hoạt động đều để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, tập luyện cho giọng hát thêm mượt mà, tiếng đàn thêm thuần thục ngọt ngào". Ðặc biệt, với tinh thần muốn bảo tồn hát then nên câu lạc bộ rất tích cực dạy hát, dạy đánh đàn tính cho thanh niên, thiếu niên. Bản thân ông Vịnh đã truyền sự đam mê hát then của mình cho nhiều cháu ở bản Phiêng Dường, nơi ông cư trú. Với sự kèm cặp của ông Vịnh mà tiếng đàn, lời hát của Ma Thị Hậu, Ma Thị Chiêm, Ma Thị Niên nay đã đằm thắm, ngân nga. Ông Vịnh rất vui khi đã đào tạo được lớp người hát then trẻ, họ sẽ là những nhân tố tích cực bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này ở vùng cao. Tối đến ở Phiêng Dường thật thanh bình, trong những ngôi nhà sàn vang vọng nhiều giọng hát then trong tiếng đàn tính ngân nga lúc trầm, lúc bổng của những nhóm thanh niên nam nữ.
Mỗi khi có hội diễn nghệ thuật quần chúng ở địa phương, Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh lại sôi nổi luyện tập, dập dìu chuẩn bị áo mũ đi biểu diễn. Năm 2009, ông Vịnh đưa Câu lạc bộ hát then - dân ca Tày bản Tinh đi biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc tổ chức tại thị xã Bắc Cạn; đầu năm 2010 đi biểu diễn tại các lễ hội xuân ở Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư về ai cũng phấn khởi, hoạt động của câu lạc bộ sôi nổi hẳn vì nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc này được toàn xã hội tôn vinh, trân trọng đón nhận. Ông Vịnh còn làm "đạo diễn" để câu lạc bộ dàn dựng tiết mục "cấp sắc", bỏ tiền túi thuê thợ quay ca-mê-ra, dựng thành băng đĩa hình. Sau đó ông xin phép cơ quan có thẩm quyền để in sao ra nhiều đĩa hình đưa đi các hội xuân, chợ Tết ở địa phương vừa bán, vừa cho những người yêu thích hát then nhằm phổ biến, bảo lưu loại hình nghệ thuật này. Mặc dù bận với mưu sinh hằng ngày, nhưng niềm yêu thích và đam mê hát then chưa bao giờ vơi cạn. Ông Vịnh dành thời gian trồng bầu để lấy những quả già, đẹp, tròn làm đàn tính. Ðến nay ông đã làm được gần 40 chiếc đàn tính, bán rẻ, tiền bán đàn đủ bù đắp công sức làm ra, thậm chí có người đam mê nhưng không có đủ tiền thì ông tặng luôn. Trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn hiện nay, ông Vịnh là một trong hai người còn làm đàn tính.
Bảo tồn và phổ biến hát then
Ðồng bào dân tộc Tày, Nùng chiếm hơn 70% dân số cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, hát then là một nhu cầu sinh hoạt tâm linh, văn hóa, tinh thần không thể thiếu đối với họ. Những gia đình người dân tộc Tày, Nùng ở nông thôn có điều kiện kinh tế, đầu năm thường mời nghệ nhân về nhà hát then cầu lộc, cầu tài, mong ước những điều may mắn, khát vọng về cuộc sống bình yên. Những cuộc hát then như vậy chủ nhân thường mời anh em, họ hàng thân thích, hàng xóm gần gũi đến nghe, thưởng thức hát then, kết thúc bằng một bữa liên hoan vui vẻ, chan chứa tình người. Ông Ma Văn Vịnh cho biết: Ở xã Yên Cư có khoảng 20% số gia đình vào dịp đầu năm thường mời nghệ nhân về nhà hát then, riêng bản Phiêng Dường có 30 gia đình thì năm nào cũng có khoảng 20 gia đình làm như vậy. Ba xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư có hơn 30 nghệ nhân hát then, nhưng họ liên tục được mời, được đón đi hát then. Ðiều đó cho thấy, nghệ nhân hát then được trân trọng, hát then có sức sống mãnh liệt ở nông thôn, đặc biệt là ở những thôn, bản vùng cao. Ðó cũng chính là một cách bảo tồn hát then một cách tự nhiên, nhưng hiệu quả hiện nay ở Bắc Cạn.
Mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm vừa qua tỉnh Bắc Cạn đã có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến hát then trong xã hội. Ðoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh có nhiệm vụ biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Với ý thức trân trọng nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Ðoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh thường xuyên sưu tầm, dàn dựng nhiều tiết mục then cổ, cải biên nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng của nhiều làn điệu dân ca của dân tộc Tày, đặc biệt là hát then để phục vụ đồng bào thiểu số. Vì thế, mỗi khi đi lưu diễn phục vụ ở vùng sâu, vùng xa là được cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số nhiệt tình hưởng ứng, đồng tình. Cơ quan quản lý văn hóa ở các huyện trong tỉnh cũng có nhiều hình thức bảo tồn hát then, như hướng dẫn thành lập câu lạc bộ hát then ở các thôn, bản ở huyện Na Rì, thị xã Bắc Cạn nhằm tập hợp các nghệ nhân, những người biết hát và yêu thích hát then để luyện tập, phục vụ cộng đồng ở nơi cư trú. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chợ Ðồn còn dạy các em học sinh hát then, đánh đàn tính vào dịp các em được nghỉ hè. Ðội văn nghệ quần chúng bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (Ba Bể) tập hợp đội ngũ thanh niên nam nữ ở địa phương, được ngành văn hóa huấn luyện hát then, đánh đàn tính, may sắm trang phục để biểu diễn phục vụ du khách đến du lịch hồ Ba Bể. Hát then cùng với bảo tồn nhà sàn của người dân tộc Tày ở bản Pác Ngòi từ lâu đã là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Cạn Cao Sinh Hanh lo lắng: Các nghệ nhân hát then cao tuổi trên địa bàn tỉnh ngày càng ít dần, đồng thời hát then ngày nay chưa hấp dẫn một bộ phận thế hệ trẻ, vì họ không biết tiếng Tày nên không hiểu lời bài hát, dẫn đến không thích, không quan tâm, vì thế hát then đang có nguy cơ bị mai một.
Một trong những biện pháp bảo tồn hát then trong cộng đồng là, sưu tầm những bài hát then cổ, cải biên, sáng tác mới để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Phải có người làm đàn tính, vì đó là nhạc cụ không thể thiếu của hát then. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh hiện nay những người đam mê hát then và làm đàn tính như ông Ma Văn Vịnh không nhiều. Mặc dù ông Vịnh đã sưu tầm được hàng trăm bài hát then cổ, ông đã đánh máy, nhưng chưa dịch từ tiếng Tày ra tiếng phổ thông, chưa in thành sách để phổ biến rộng rãi, vì ông cho rằng việc dịch ra tiếng phổ thông rất kỳ công, một mình ông làm không nổi bởi tuổi đã cao, sức lực có hạn, dịch ra tiếng phổ thông rồi sợ không có kinh phí để in thành sách. Giám đốc Cao Sinh Hanh cũng thừa nhận: Việc bảo tồn và phát huy hát then trên địa bàn tỉnh đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, nguyên nhân là do kinh phí của tỉnh đầu tư cho lĩnh vực này rất ít ỏi, đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, có tâm huyết hạn chế.
Ðể bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật này tỉnh cần có đề án tổng thể để bảo tồn hát then trong cộng đồng, trong đó phải sưu tầm bằng được những tiết mục, bài hát then cổ đang có nguy cơ bị mai một. Ðồng thời, vận động đội ngũ văn nghệ sĩ, người yêu thích hát then cải biên then cổ, sáng tác mới, hình thức thể hiện mới trên cơ sở tôn trọng đặc trưng của loại hình nghệ thuật này để phù hợp thị hiếu thế hệ trẻ. Qua đó, giá trị của nét sinh hoạt văn hóa độc đáo này sẽ được gìn giữ, phát huy, phát triển và sáng tạo để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.
Theo Thế Bình (Báo Nhân dân)
Tin khác