Dạy học theo đối tượng, vùng miền ở Lai Châu

03:08 AM 27/09/2010 |   Lượt xem: 5145 |   In bài viết | 
Chủ trương chung là các cấp quản lí giáo dục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên (GV) thực hiện dạy học theo đối tượng, dạy những gì học sinh (HS) đang cần, thiếu theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, tránh tình trạng dạy những gì GV có, chỉ dạy theo yêu cầu của SGK mà không chú ý đến khả năng tiếp nhận của HS, kết hợp giữa GD đại trà với GD mũi nhọn.

Thực hiện chủ trương đó, Ban giám hiệu tất cả các đơn vị trường học của các ngành học, bậc học trong toàn tỉnh Lai Châu đã tổ chức khảo sát trình độ HS ngay từ đầu năm học. Trên cơ sở đó phân chia HS vào các lớp sao cho HS trong một lớp có trình độ tương đối đồng đều. Từ đó xây dựng kế hoạch chỉ đạo chuyên môn chung, kế hoạch giảng dạy của từng môn, từng GV phù hợp với khả năng học tập của HS. Trong kế hoạch, phải xác định rõ lộ trình, thời gian để HS yếu, kém đạt được chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục.

Thống nhất các giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện. Xây dựng kế hoạch phụ đạo, bổ trợ kiến thức cho những HS yếu kém phù hợp với đối tượng HS và thực trạng nhà trường làm cho những HS yếu kém kiến thức có thể sớm theo được chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình các ngành học, bậc học các vùng. Đối với HS ngành học Mầm non vùng sâu xa chú ý bảo đảm trẻ được giao tiếp bằng Tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Đối với HS bậc Tiểu học có thể giảm thời lượng dạy các môn khác (như môn Hát nhạc, Mĩ thuật, Thủ công, Thể dục, …) để tăng thời lượng cho môn Toán và Tiếng Việt. Đối với bậc Trung học, phải sử dụng hiệu quả thời lượng dạy học tự chọn để ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, khắc sâu kiến thức, kĩ năng của 8 môn văn hóa cơ bản: Toán, Lí, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ.

Việc dạy trên không phải được thực hiện thường xuyên mà chỉ áp dụng trong một thời điểm nhất định. Mức độ giảm tải sẽ giảm dần khi chất lượng của HS đã có sự chuyển biến. Không lạm dụng chủ trương dạy học theo đối tượng, vùng miền để hạ thấp chuẩn kiến thức, kĩ năng, không được giảng dạy tùy tiện.

Trên cơ sở đó, chất lượng giáo dục của tỉnh đã gặt hái được kết quả tốt. So với năm học 2008-2009, chất lượng năm học 2009-2010 đã được nâng lên như bậc THCS: xếp loại giỏi đạt 2,54 % (tăng 0,34 %), loại khá đạt 19,96 % (tăng 1,29%), loại TB đạt 67,37 % (giảm 1,13 %), loại yếu đạt 9,8 % (giảm 0,9 %), loại kém đạt 0,3 % (tăng 0,2 %); Bậc THPT: loại giỏi đạt 0,78 % (tăng 0,18 %), loại khá đạt 13,26 % (tăng 8,85 %), loại TB đạt 50,35 % (tăng 8,85 %), loại yếu đạt 32,8 % (giám 8 %), loại kém đạt 2,8% (giảm 2,4 %). Tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT đạt 92,4 % tăng 7,35%, xếp thứ  35/63 so với các tỉnh thành trong cả nước.

Từ kết quả trên, Sở GD-ĐT Lai Châu tiếp tục chỉ đạo trong năm học 2010-2011 và các năm học tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương dạy học theo đối tượng, vùng miền cùng một số biện pháp nâng cao chất lượng khác, hy vọng chất lượng GD của Lai Châu những năm học tới sẽ tiếp tục đi lên.

Theo GD&TĐ [TT: H.T.N]