"Quan họ" của người Tày

02:26 AM 01/10/2010 |   Lượt xem: 2978 |   In bài viết | 
Người già ở Yên Bình kể rằng, ngày trước cuộc sống của bà con người Tày trong các bản làng quanh năm "trán chạm đất, lưng ngửa giời" mà vẫn đói ăn, rách mặc. Một hôm, có ông lão trong bản ra bờ suối câu cá, đang trầm ngâm suy tư bên thác nước chảy bỗng có ngọn gió ào qua bụi tre nơi ông ngồi.

Tiếng kẽo kẹt của hai cây tre cọ vào nhau phát ra âm thanh hòa quyện cùng với tiếng thác nước tạo thành một khúc nhạc tuyệt diệu. Thổn thức trong lòng, ông lão tự dưng "hới lả" vọng theo, thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm, quên hết nỗi u buồn.

Cho rằng, Thiên Nhan Thượng đế đã ban thưởng tiếng hát cho người Tày mình, ông lão bèn gọi mọi người đến truyền dạy lời hát. Ông còn dạy dân bản lấy da ếch bọc ống nứa, căng 2 sợi dây tơ tằm rồi bện mấy sợi lông đuôi ngựa làm cung để kéo "cò cử", sau này gọi là nhị 2 dây. Lấy ống nứa tép dùi thành 7 lỗ để thổi tạo tiếng nước chảy, sau này gọi là sáo. Từ đấy, hát khắp hát coọi có nhị, có sáo đệm theo.

Đời tiếp đời, năm tiếp năm, tiếng hát khắp hát coọi được lưu truyền. Hàng năm, thu hoạch xong lúa gạo, đưa vào đầy bồ là các bản làng đồng bào Tày lại chuẩn bị cho những ngày lễ hội, và trong chương trình không khi nào thiếu thi hát khắp hát coọi.

Những dịp ấy, trai thanh nữ tú hát đối đáp nhau để rồi "vương" lại bao nỗi nhớ nhung; hát để thay cho lời chào hỏi, ước hẹn, bằng cả tấm lòng của mình để kết nên tình yêu đôi lứa. Hát khắp khi lên giọng "ứ ơi" ngân dài rồi bắt vào lời hát luôn, còn hát coọi "ứ ơi ứ hợi" lên xuống để đủ độ ba nhịp mới bắt vào lời hát.

Nội dung các điệu hát được chắt lọc, hình thành trong quá trình lao động sản xuất, mượn hình ảnh hoa lá, ánh trăng, sông suối, các loại hoa như hoa mạ, hoa bưởi, hoa phặc phiền, chim én, chim khảm khắc… Lời hát mượn cỏ cây hoa lá để gửi tình gửi cảnh vào đó, diễn tả nỗi nhớ bạn lúc buồn da diết, lúc vui náo nức như tiếng vọng của núi non; mượn chim khảm khắc lẻ bạn tâm tình với người mình thương nhớ.

Những năm trở lại đây, người hát khắp coọi đã ít đi, lớp trẻ không còn tìm hiểu nhau qua các làn điệu khắp coọi nữa, nhưng trong những bản làng của đồng bào Tày ở vùng Lục Yên, các đội văn nghệ quần chúng vẫn tập luyện khắp coọi để biểu diễn mỗi dịp lễ hội.

Văn Trương (Nguồn: danviet.vn) [TT: H.T.N]