Người Ma Coong không còn hủ tục
08:09 AM 03/11/2010 | Lượt xem: 2868 In bài viết |Từ di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn (Quảng Bình), men theo đường 20 Quyết Thắng nối Đông và Tây Trường Sơn chon von, hiểm trở với những vách đá dựng ngược và vực sâu thăm thẳm… Chúng tôi tìm về với bản Cà Roòng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), mảnh đất được người Ma Coong coi là mảnh đất linh thiêng của họ với những câu chuyện kỳ bí, những con người kỳ lạ đến khó tin…
Ông Đinh Xon, một trong những người già nhất làng cho biết: “Ngày trước, rất nhiều đứa trẻ không may mẹ bị chết, chúng đã bị chôn sống theo mẹ. Giàng bắt thế. Không ai cãi lại lời Giàng được. Cãi lại, Giàng không cho cuộc sống yên ổn. Không cho dân bản vui, Giàng sai ma về bắt vạ. Nhưng khi có thằng Nguyễn Diệu, hắn cãi được Giàng, cứu đứa bé sắp bị chôn sống với mẹ”.
“Thằng Nguyễn Diệu” mà ông Đinh Xon nhắc đến chính là anh Nguyễn Xuân Diệu, một người con của mảnh đất Thừa Thiên Huế đóng quân tại Đồn biên phòng 115 (nay là 593). Hiện nay anh là Chủ tịch Hội Nông dân xã, cùng với các đồng chí bộ đội biên phòng đã cứu được nhiều em nhỏ thoát khỏi tục lễ hà khắc.
Ông Đinh Hợp cho biết: “Kể từ năm 1996 đến nay, nhờ hành động đấu tranh của anh Diệu mà cả làng không còn tục lệ đó nữa, nhiều em nhỏ đã được cứu thoát, sống khoẻ mạnh”.
Khi được hỏi về sự việc đó, anh Diệu hồi tưởng lại: Vào mùa hè năm 1996, tôi đi dự đám tang một người dân trong bản. Đó là Y Xoang, một cô gái bị bệnh tâm thần không biết có mang với ai mà sinh một bé trai ngay trước nhà. Sinh con được vài ngày, do kiệt sức, Y Xoang đã trút hơi thở cuối cùng. Khi ấy, cũng như bao lần khác, dân bản lại chuẩn bị lễ ma để đưa tiễn hai mẹ con về thế giới khác...
Trước hoàn cảnh đó, Diệu chạy tới giật đứa bé khỏi tay thầy mo. Ôm đứa bé kháu khỉnh vào lòng, anh hét lên: “Thằng bé có tội chi mô mà phải chết?” Song thầy mo và dân trong bản quyết không để anh có đứa bé một cách dễ dàng được, họ cho rằng không làm theo tập tục thì Giàng sẽ trừng phạt và gây tai hoạ cho dân bản, sẽ không ai được sống yên ổn cả.
Sau một hồi giải thích, giằng co, anh Diệu nói: “Nếu dân bản sợ Giàng bắt tội thì nói Giàng cứ việc đến bắt tôi đây”. Nói xong anh ôm đứa bé chạy thẳng về Đồn Biên phòng Cà Roòng.
Cái khó khăn khi anh đưa đứa bé về nuôi chính là thiếu sữa, không một bà mẹ nào trong bản dám đến cho đứa bé bú vì sợ Giàng bắt tội. Thằng bé khát sữa, khóc gắt ngày đêm. Thời điểm đó đường sá đi lại khó khăn, giai đoạn đầu chỉ còn biết có nước đường, nước cơm của bộ đội biên phòng.
Anh đặt tên cho cháu là cu Đường - với mong muốn tên “Đường” có nghĩa luôn đi đúng đường, không thất lạc đường trong cuộc sống, cũng có nghĩa cháu đã được mọi người tìm đường về với cuộc sống, thoát khỏi hủ tục dã man, không bị Giàng quở trách. Nhiều năm trôi qua, cu Đường nay đã có gia đình mới với bố mẹ nuôi chính là anh Nguyễn Xuân Diệu và chị Y Nhoan (vợ anh) trong bản Cà Roòng 1.
Ông Đinh Xon xúc động: “Từ khi thằng Đường được vợ chồng Nguyễn Diệu cứu sống, cả bản chẳng thấy ai bị Giàng phạt, nhà nó chẳng bị Giàng phạt mà lại làm ăn khá lắm. Thấy nó làm ăn no đủ, rứa nên từ đó đến nay mười năm tròn, 18 bản của người Ma Coong có 11 người mẹ chết nhưng dân bản nuôi cả 11 đứa trẻ, những đứa trẻ đó bây chừ khỏe khoắn lắm, nỏ không bị Giàng phạt vạ, nỏ bị con ma bắt”.
Đức Bảo (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 82/2010) [TT: H.T.N]