Khó khăn trong công tác dân số vùng cao: Phần nhiều là thiếu hiểu biết
10:12 AM 03/11/2010 | Lượt xem: 2985 In bài viết |Từ khi kiện toàn các Ban Dân số từ xã đến các thôn bản và cơ bản lồng ghép xong giữa cộng tác viên dân số với nhân viên y tế của 5/5 thôn, bản, công tác DS/KHHGĐ xã Bản Công bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả, các chỉ tiêu luôn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
Cụ thể như: đặt vòng tránh thai 285 trường hợp (cả năm giao là 90 trường hợp), uống thuốc tránh thai 15 ca, sử dụng bao cao su 28 ca, tiêm thuốc tránh thai 12 ca. Công tác tuyên truyền ngày càng được quan tâm: Ban Chấp hành Đảng ủy xã khi họp yêu cầu các đồng chí phụ trách thôn, bản ngoài công việc chung thì đặc biệt chú trọng đến công tác dân số, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhân viên y tế dân số tại các địa phương vận động các đối tượng có nguy cơ sinh đẻ cao, sinh con một bề; nhân viên y tế dân số thôn, bản phải có trách nhiệm trực tiếp đến hộ gia đình để tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại, báo cáo, nắm bắt kịp thời những trường hợp vi phạm, có trách nhiệm trước các đối tượng đã sinh con thứ 3 tại thôn mình, chỉ ra những hạn chế trong cách tuyên truyền vận động của bản thân; triển khai các đợt chiến dịch dân số xuống các vùng trọng điểm...
Vậy mà không hiểu vì lý do gì tình trạng sinh con thứ 3 ở Bản Công vẫn gia tăng?
Anh cán bộ chuyên trách chia sẻ: "Vận động nhiều, bà con xem chừng cũng nghe theo, nhiều trường hợp chúng tôi chưa kịp cấp phát các loại thuốc tránh thai họ đã đến tận nhà, hoặc lên UBND xã yêu cầu được tư vấn và được sử dụng các biện pháp tránh thai. Nhưng khi giúp họ đặt vòng về đến nhà họ lại tự ý tháo ra và mang thai trở lại. Nhân viên y tế dân số nắm được tình hình, xuống tận nơi thì họ bảo nó tự rơi nên không biết phải làm thế nào. Nhiều trường hợp, đi làm nương rẫy xa, sau khi trở về thai đã to đùng, chúng tôi không thể tiến hành các biện pháp xử lý...".
Cũng có nhiều trường hợp không phải họ cố tình sinh con thứ 3 mà do không hiểu biết. Mặc dù được tư vấn về các biện pháp tránh thai như tiêm thuốc, uống thuốc theo đúng giờ giấc quy định nhưng họ lại quên nên vẫn để xảy ra việc mang thai ngoài ý muốn. Nhiều hộ gia đình cho rằng tiêm và uống thuốc không hiệu quả và bắt đền những người làm công tác dân số...
Hiện nay, những thôn có số trường hợp sinh con thứ 3 nhiều là thôn Bản Công 10 trường hợp, thôn Tà Xùa 11 trường hợp và một trường hợp là đảng viên ở thôn Sán Trá nhưng mới chỉ bị khiển trách và cũng chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý. Đồng thời, đội ngũ cộng tác viên y tế dân số thôn bản còn thiếu kinh nghiệm tuyên truyền và triển khai, xử lý các hoạt động DS/KHHGĐ. Đó là những khó khăn, thách thức lớn đối với công tác dân số vùng cao trong thời gian tới.
Để làm tốt công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là công tác dân số ở vùng cao thì việc tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ cứ phải sinh con trai nối dõi tông đường cần được các cộng tác viên dân số và cán bộ chuyên trách dân số làm tốt hơn. Cụ thể là phải thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung công tác tuyên truyền. Phải có sự ràng buộc trách nhiệm trong công tác quản lý đối với nhân viên y tế dân số thôn, bản; phải tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác dân số... Có như vậy tình trạng sinh con thứ 3 ở nơi đây mới mong giảm.
An Nguyên (Nguồn: Báo Yên Bái)