Nỗi buồn “gieo chữ” mang tên Cha Khót
02:15 AM 25/11/2010 | Lượt xem: 2397 In bài viết |Cuộc sống nhân dân bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) còn thiếu thốn trăm bề, bậc làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ chỉ lo mưu sinh kiếm đủ cái ăn cho cả gia đình, còn chuyện cái chữ cho con thì “mặc kệ” thầy, cô giáo. Với nhiệm vụ “trồng người” cao cả những giáo viên vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám lớp dạy chữ cho các em giữa bốn bề rừng xanh heo hút. Tiêu biểu trong số họ phải kể đến đôi vợ chồng giáo viên trẻ Hà Văn Thái và Lô Thị Huệ, giáo viên cắm bản Cha Khót, trường Tiểu học Na Mèo.
Thiếu thốn trăm bề
Nằm cách trung tâm xã khoảng 10 km đường rừng núi, Cha Khót là bản còn nhiều khó khăn của xã biên giới Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bản chỉ có vỏn vẹn 35 hộ, 175 nhân khẩu đồng bào dân tộc Thái di cư từ các huyện Lang Chánh, Bá Thước (Thanh Hóa) về đây định cư, nhân dân chủ yếu làm nương, làm rẫy, săn bắt thú rừng, đời sống thiếu thốn trăm bề. Cuộc sống cơ cực, những đứa trẻ ở Cha Khót phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhiều nhất, đói ăn, thiếu chữ. Năm 2008 trở về trước, việc “gieo chữ” cho trẻ em nơi đây được những cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đảm nhiệm.
Năm 2008, cùng với việc Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cử cán bộ về công tác tại Cha Khót thì Trường Tiểu học Na Mèo cũng đã đưa giáo viên về cắm bản để dạy chữ cho học sinh. Nhưng cũng như cha mẹ và học trò nơi đây, thầy cô giáo cũng chịu cảnh khó khăn chồng chất. Trong căn phòng nhỏ, cũ kỹ nằm chênh vênh bên sườn núi là nơi học tập, giảng dạy của 28 học trò và thầy cô giáo.
Trong căn phòng nhỏ chỉ với 2 giáo viên, 28 học sinh nhưng lại có 2 lớp ghép và 4 trình độ học khác nhau, tấm bảng phía trên, cùng với dãy học sinh bên phải là lớp 3 và 4 do thầy giáo Hà Văn Thái phụ trách, nửa còn lại của căn phòng là lớp 1 và 2 do chính vợ thày là cô giáo Lô Thị Huệ đứng lớp.
“Các em học sinh không chỉ thiếu thốn về cái ăn, cái mặc mà cả điều kiện học tập cũng rất khó khăn. Sách vở, cơ sở hạ tầng nơi đây cũng chưa thể đáp ứng cho các em điều kiện học tập tốt nhất mặc dù các em đều rất ngoan và chăm chỉ.” - Cô giáo Lô Thị Huệ tâm sự. Dường như chỉ nghĩ đến đám học trò thân thương mà đôi vợ chồng trẻ giáo viên nơi đây đang quên đi những khó khăn mà mình còn gặp phải.
Chỉ có duy nhất một con đường bám vách núi dẫn vào Cha Khót, những ngày nắng đã gian nan còn mùa mưa có thể cả tuần lễ Cha Khót không thể giao lưu với thế giới bên ngoài vì nước suối lên cao. Từ chuyện ăn uống, đảm bảo sức khỏe họ đều phải “tự cung tự cấp” vì ở đây nhiều lúc có tiền cũng chẳng thể mua nổi cái mà ăn. “Mỗi lần vượt rừng ra điểm trường chính chúng tôi tranh thủ mua gạo, mắm muối để dự trữ và không thể quên cây bút, viên thuốc cho mình và đám học trò thân thương. Nhưng ở đây có một cái đáng sợ nhất đó là việc thiếu nước sinh hoạt khó lòng khắc phục được. Mùa khô thì nước khan hiếm, mùa mưa thì nước suối đục ngầu nên khó khăn lắm.” - Thầy giáo Hà Văn Thái cho biết.
Tình người ở Cha Khót
Vượt qua tất cả những khó khăn, thiếu thốn nhân dân, cán bộ, giáo viên, Bộ đội Biên phòng ở Cha Khót đang luôn nỗ lực để vùng đất này ngày càng thay da đổi thịt. Họ đang nương tựa vào nhau để làm nhiệm vụ “trồng người”, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Trong căn nhà tạm bên cạnh lớp học là nơi sinh hoạt của 5 con người, đôi vợ chồng giáo viên cắm bản Hà Văn Thái, Lô Thị Huệ cùng con nhỏ và 2 cán bộ của tổ công tác Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nam Mèo. Họ cùng chung trong một ngôi nhà, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi để hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao phó.
Thiếu úy Hà Trọng Quỳnh, Tổ công tác Cha Khót, Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cho biết: “Ở đây giữa bốn bề núi vây, không có một phương tiện liên lạc nào có thể kết nối được nên tình cảm nhân dân với giáo viên, bộ đội biên phòng lại càng được thắt chặt hơn, chia sẻ những lúc khó khăn, thiếu thốn.” Trong căn phòng nhỏ của đôi vợ chồng giáo viên trẻ dễ dàng bắt gặp những dòng chữ thể hiện niềm yêu nghề mãnh liệt: “Nguyện một đời vì phấn trắng bảng đen”, “yêu người bao nhiêu yêu nghề bấy nhiêu”.
Giải thích về những “khẩu hiệu” này cô giáo Lô Thị Huệ cho biết: “Tự vợ chồng mình viết lên để động viên mình phải nỗ lực trong nghề nhưng ở đây chỉ riêng niềm yêu nghề thì không đủ mà phải biết yêu thương con người thì mới có thể vượt qua mọi khó khăn.”
Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 ở Cha Khót, thầy, cô giáo đón một không khí rất chân thành, giản dị và ấm cúng. Có thể học sinh đến phòng cô giáo để đòi kẹo, có em còn mang cả hoa chuối rừng tặng cô giáo. “Phụ huynh và học sinh giữa đại ngàn này lo cho cuộc sống của mình còn khó khăn nên ngày nhà giáo ở đây đôi lúc có những cảnh tượng làm chúng tôi xúc động chảy nước mắt. Mừng ngày nhà giáo có khi chỉ là bông hoa rừng của học trò, quả bí của phụ huynh, bữa cơm cải thiện của các anh Bộ đội Biên phòng.”- Cô giáo Lô Thị Huệ xúc động tâm sự.
Viết Lam (Theo Báo Biên phòng)