Quảng Ninh nâng cao chất lượng dạy học ở các huyện miền núi
09:41 AM 18/01/2011 | Lượt xem: 2947 In bài viết |Nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở các huyện miền núi, Quảng Ninh đang tích cực triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Trong năm 2010, tỉnh đã dành gần 500 tỷ đồng để thực hiện chương trình kiên cố 1.011 phòng học, 295 phòng công vụ cho giáo viên, phấn đấu về trước mục tiêu chung cả nước hai năm.
Là huyện miền núi, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, đây thật sự là rào cản và thách thức đối với ngành giáo dục huyện Hải Hà những năm qua. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đặng Kỳ Hồng cho biết: 'Mặc dù khó khăn song mục tiêu của ngành giáo dục huyện đặt ra trong năm học 2010-2011 là xây dựng mới ba trường trung học cơ sở (THCS), 164 phòng học kiên cố và 64 phòng công vụ cho giáo viên theo đề án kiên cố hóa trường, lớp và sáu phòng học theo đề án mầm non vùng khó. Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình này là hơn 100 tỷ đồng, ngành giáo dục huyện đang cùng các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai đề án nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.
Ngay sau khi có chủ trương, huyện Hải Hà khẩn trương xây dựng kế hoạch và trích hơn 14 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cùng với ngân sách tỉnh là hơn 70 tỷ đồng để xây mới 138 phòng học, 56 nhà công vụ cho giáo viên. Nhờ sự chủ động, vào cuộc tích cực của địa phương, cho nên trong năm học này, việc học nhờ trường, nhờ lớp như các năm học trước đã giảm đáng kể. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Hải Hà, trong năm học 2009-2010 và học kỳ I năm học 2010-2011, chất lượng giáo dục của huyện đã được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ lên lớp của các cấp học đạt từ 97% trở lên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đạt gần 98%. Theo đó, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, phát triển đến tận thôn, bản, vùng sâu, vùng xa.
Là địa phương luôn dẫn đầu các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh về việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng huyện Tiên Yên đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Điều kiện phát triển kinh tế và trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn thấp. Trưởng phòng Giáo dục huyện Tiên Yên Nguyễn Văn Ty cho biết: 'Kinh phí đầu tư cho chương trình xây dựng trường, lớp học kiên cố và nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn huyện gồm hơn 40 tỷ đồng. Mặc dù địa phương đã tích cực phối hợp với ngành giáo dục triển khai đề án này, tuy nhiên, do đặc thù là huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, cho nên hiện nay số trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên trên địa bàn huyện được xây dựng kiên cố mới chỉ đạt 85%. Bên cạnh đó, số đông các em là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục mà huyện Tiên Yên đang nỗ lực thực hiện'.
Sự quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong chỉ đạo thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên đã nhận được sự hưởng ứng và sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, diện mạo trường, lớp ở nhiều nơi đã thay đổi. Năm học 2010-2011, nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi đã đưa nhiều trường lớp học mới vào sử dụng như: Hoành Bồ với 109 phòng học cho học sinh và 14 nhà công vụ cho giáo viên; thị xã Uông Bí với 11 công trình, 93 phòng học, tám nhà công vụ với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng; TP Móng Cái với 17 phòng học và 18 phòng ở cho giáo viên, tổng kinh phí đầu tư hơn 14 tỷ đồng... Đến nay, toàn tỉnh đã xóa bỏ được phòng học ba ca, phòng học tranh, tre, nứa lá. Số phòng học kiên cố được xây mới tăng nhanh, phòng học tạm và phòng học cấp 4 giảm; số phòng học tại các trường có bậc phổ thông đã đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh. Song song với việc cải thiện cơ sở vật chất lớp học, số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng được tăng lên. Nếu năm 2005, số trường đạt chuẩn quốc gia của bậc mầm non là bốn, tiểu học 80, THCS bốn, THPT một thì đến nay toàn tỉnh đã có 211 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học; trong đó mầm non 23 trường, tiểu học 119 trường, THCS 56 trường và THPT 13 trường. Dự kiến hết năm 2010, số trường đạt chuẩn quốc gia sẽ tăng lên 235 trường. Riêng đối với cấp học mầm non, năm 2010, tỉnh Quảng Ninh đã dành hơn 230 tỷ đồng đầu tư xây dựng 516 phòng học kiên cố để xóa 100% số phòng học tạm và xây 101 phòng công vụ cho giáo viên. Ngoài ra còn có hơn 20 tỷ đồng được đầu tư xây dựng trường, điểm trường mầm non ở các vùng khó và mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục
Tại hội nghị giao ban 15 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc vừa được tổ chức vào tháng 12 tại TP Hạ Long, Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mục tiêu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Ngành giáo dục Quảng Ninh đã chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, theo đó tỉnh phấn đấu hoàn thành chương trình này vào năm 2013, về trước mục tiêu chung của cả nước hai năm; đồng thời tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục miền núi. Ngành cũng đã chỉ đạo có hiệu quả việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; tham mưu cho tỉnh ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường xây dựng xã hội học tập thời kỳ CNH-HĐH giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, phấn đấu hoàn thành nội dung này trong năm 2010, trước mục tiêu chung của cả nước hai năm.
Có thể nói, Đề án kiên cố hóa trường, lớp và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên của tỉnh Quảng Ninh đã tạo nên những đổi thay đáng kể cho diện mạo trường, lớp ở nhiều địa phương trong tỉnh; nhất là ở các xã miền núi, biên giới và hải đảo. Kết quả này giúp cho nhiều học sinh được đến lớp; mục tiêu phổ cập giáo dục THCS được thực hiện đúng lộ trình. Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành giáo dục tỉnh này tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần cuộc vận động 'Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục' mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động.
Bài và ảnh: Quang Thọ (Nguồn: Báo Nhân dân điện tử)