Chương trình 135 ở Đồng Văn: Tiếp sức cho đồng bào nghèo

03:07 AM 12/01/2011 |   Lượt xem: 2971 |   In bài viết | 

Huyện Đồng Văn có 17 xã và 2 thị trấn với 224 thôn, bản (19/19 xã thị trấn đều thuộc xã khu vực II đặc biệt khó khăn), được hưởng lợi từ Chương trình 135 giai đoạn II.
Với tổng số vốn được đầu tư trên 105 tỷ đồng, Ban Chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II của huyện đã dành phần lớn nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với những hạng mục thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đến nay, 100% các xã trên địa bàn huyện đã có đường ô tô từ huyện đến trung tâm xã; phần lớn hệ thống cầu, cống, đập thuỷ lợi, đường dân sinh được đầu tư nâng cấp; 1 lớp học, 26 nhà lưu trú cho cán bộ và học sinh được đầu tư xây dựng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu dạy và học của cán bộ giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Ban Chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II của huyện đã xác định đầu tư sản xuất là nền tảng cơ bản cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở các xã đặc biệt khó khăn. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cộng đồng cũng như hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Trong thời gian triển khai, Chương trình 135 đã hỗ trợ: giá giống ngô, lúa có giá trị kinh tế năng suất cao; Hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho hộ nghèo vay mua gia súc; Hỗ trợ phân bón, giống cỏ thức ăn gia súc; Thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả để nhân rộng trong thôn, xã; Thực hiện các nội dung tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ làm công tác nông nghiệp; Hỗ trợ các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế (cây chè, lê, đào,...) và công cụ lao động.

Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình khó khăn đã có cơ hội thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, chủ động áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Lương Đình Đoàn, Phó Trưởng Phòng Nông Nghiệp huyện Đồng Văn cho biết: Huyện rất linh hoạt trong quá trình triển khai đầu tư các hợp phần. Trong đó người dân được tham gia bàn bạc và tự lựa chọn hạng mục đầu tư sao cho phù hợp với đất đai, công năng, hiệu quả sử dụng có thông qua khâu kiểm định chất lượng kỹ thuật và giá cả của các ngành chức năng. Đây là cách làm hay trong công tác hỗ trợ phát triển sản xuất ở huyện Đồng Văn, được người dân hoan nghênh, hưởng ứng.

Riêng về vật tư, máy móc, nông cụ sản xuất trên địa bàn đã đầu tư khoảng 7.163 chiếc; huyện đã đưa các loại giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất đại trà, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện; nhiều chương trình, dự án về khuyến nông, xây dựng mô hình thâm canh các loại cây trồng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, Đồng Văn cũng đã triển khai công tác hỗ trợ pháp lý ở các thôn bản; mở lớp tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được 14 lớp/14 xã, thị trấn với tổng số học viên tham gia 490 người. Từ khi triển khai hỗ trợ đến nay, 100% các xã, thị trấn đã thành lập và đi vào hoạt động câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý cấp xã (mỗi câu lạc bộ có từ 7 đến 9 thành viên). Các câu lạc bộ đã thực hiện trợ giúp được 450/450 đối tượng có nhu cầu trợ giúp đạt trên 95% so với mục tiêu đề ra. Có thể nói công tác trợ giúp pháp lý ra đời và đi vào hoạt động là một bước tiến quan trọng trong quá trình tuyên truyền làm theo pháp luật được thực hiện, mỗi người dân chưa hiểu pháp luật về bất cứ lĩnh vực gì có nhu cầu giúp đỡ là được giải quyết, qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí của người dân.

Một trong những kết quả nổi bật nhất từ việc triển khai Chương trình 135 là, đã huy động trên 95% học sinh tiểu học, gần 89% học sinh THCS trong độ tuổi đến trường; 100% xã có trạm y tế xây dựng kiên cố, có đủ trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế; 80% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia...

Chương trình 135 đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ, tạo nên bước đột phá lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện miền núi Đồng Văn.

Ngọc Tuấn (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển) [TT: H.T.N]