Mù Cang Chải và Trạm Tấu: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ

10:22 AM 18/02/2011 |   Lượt xem: 2245 |   In bài viết | 
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ - CP (gọi tắt là Nghị quyết 30a), Yên Bái đã chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt. Nhờ vậy, sau 2 năm đã đạt được kết quả khả quan, củng cố niềm tin của người dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đối với Đảng và Nhà nước.

Sau khi Đề án 30a ở 2 huyện được phê duyệt và phân bổ kinh phí đầu tư, công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, các cơ chế, chính sách  của Nghị quyết được coi trọng, tạo sự đồng thuận và phối hợp hoạt động  mang lại hiệu quả thiết thực. Quá trình thực hiện Đề án, Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo các huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án giảm nghèo và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các xã, thị trấn trong việc giải ngân, giải phóng mặt bằng, khởi công, thi công các công trình… Vì vậy, hàng trăm dự án được tiến hành đồng thời ở cả 2 huyện, tạo không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Kết quả rõ nét nhất là triển khai Quyết định số 167/2008/QĐ - TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Các huyện đều triển khai thực hiện rất khẩn trương, bài bản; thành lập các tổ công tác xuống giúp đỡ các xã; rà soát, thống kê rõ nhu cầu của từng hộ, thôn, bản; phát động phong trào thi đua phấn đấu thực hiện, hoàn thành xuất sắc chương trình. Với mức hỗ trợ 21 triệu đồng/nhà từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện, Quỹ “Vì người nghèo”, Ngân hàng Chính sách Xã hội và người dân đóng góp, chỉ trong 1 năm thực hiện, đã có 827 căn nhà bàn giao cho các hộ nghèo, giúp họ có nhà ở khang trang, ổn định cuộc sống lâu dài. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chính sách đặc thù theo Đề án 30a được triển khai đồng loạt hàng chục danh mục công trình, trong đó có 13 công trình thủy lợi, 10 công trình nước sạch, 10 công trình giao thông…

Các nguồn vốn sự nghiệp triển khai rất khẩn trương, kịp thời, đúng đối tượng, trong đó có nguồn vốn khoán bảo vệ rừng theo định mức 200.000 đồng/ha/năm. Hai huyện đã giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, trồng rừng mới với số vốn gần 11.000 triệu đồng. Đây là dự án rất quan trọng, góp phần trực tiếp khôi phục và bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Các huyện căn cứ vào nhu cầu thực tế hỗ trợ nông dân sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Huyện Mù Cang Chải hỗ trợ nông dân mua phân bón, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 985 triệu đồng tại 6 xã; quy hoạch đất sản xuất nông - lâm nghiệp 1.300 triệu đồng; hỗ trợ 5.000 triệu đồng cho 500 hộ mua trâu cái sinh sản. Huyện Trạm Tấu đã đầu tư 250 triệu đồng khai hoang 25 ha ruộng nước; hỗ trợ các gia đình làm chuồng trại, mua con giống trên 6.000 triệu đồng… Đây là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đồng bào dân tộc vùng cao, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo.

Các chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi được triển khai tích cực, giúp nông dân mua giống gia súc, gia cầm, phát triển ngành nghề tiểu thủ công  nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện Mù Cang Chải đã có 2.026 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với số vốn 36.340 triệu đồng. Huyện Trạm Tấu cũng đã giải ngân 21.224 triệu đồng cho các hộ nghèo vay vốn. Thực hiện nội dung xã hội hóa xóa đói giảm nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ - CP của Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp đã trực tiếp giúp đỡ 2 huyện 2.100 triệu đồng.

Hai năm qua tỉnh còn thực hiện các chính sách lồng ghép nguồn vốn Chương trình 134, Chương trình 135 giai đoạn 2, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất bằng trái phiếu Chính phủ cho huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu trên 687.000 triệu đồng. Các nguồn lực đầu tư tập trung hỗ trợ cho người dân nâng cao thu nhập, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, y tế… Sau 2 năm thực hiện các chính sách đầu tư của Đề án, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mù Cang Chải giảm 4,77%, huyện Trạm Tấu giảm 7,27%.

Mục tiêu của Nghị quyết 30a là giảm nghèo bền vững dựa trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư; tạo việc làm cho nông dân từ các nguồn lực đầu tư để xóa nghèo bền vững. Trong những năm tới, Yên Bái tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư đến các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; tăng cường và thu hút cán bộ, hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo thực hiện đạt mục tiêu phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu giai đoạn 2011 - 2015, phấn đấu giảm hộ nghèo mỗi năm 8%, tăng trưởng kinh tế đạt trên 12,5%.

Quỳnh Nga (Nguồn: Báo Yên Bái)