Nghị định về Công tác dân tộc

10:22 AM 18/02/2011 |   Lượt xem: 2591 |   In bài viết | 
Về Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực

Kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, xoá đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc với các vùng khác. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý nguồn lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, có chế độ đãi ngộ hợp lý.

Khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên vùng dân tộc thiểu số và đầu tư trở lại phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Về Chính sách đầu tư phát triển bền vững

Đảm bảo việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc.

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đặc biệt đối với dân tộc thiểu số rất ít người và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; chú trọng đào tạo nghề, sử dụng lao động là người tại chỗ, đảm bảo thu nhập ổn định, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng khác. Khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

Chủ đầu tư các dự án quy hoạch, xây dựng có ảnh hưởng tới đất đai, môi trường, sinh thái và cuộc sống của đồng bào các dân tộc, phải công bố công khai và lấy ý kiến của nhân dân nơi có công trình, dự án được quy hoạch, xây dựng; tổ chức tái định cư, tạo điều kiện để người dân đến nơi định cư mới có cuộc sống ổn định tốt hơn nơi ở cũ. Chính quyền ở nơi có người đến định cư có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư đảm bảo định canh, định cư lâu dài, tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống. Thực hiện quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung một cách hợp lý đối với những địa bàn khó khăn, đảm bảo cho đồng bào phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền.

Thực hiện các chương trình, đề án xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết cơ bản vấn đề vốn, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất cho nông dân thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển kinh tế, giao đất, giao rừng cho hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số, chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Tổ chức phòng, chống thiên tai và ứng cứu người dân ở vùng bị thiên tai, lũ lụt. Có chính sách hỗ trợ kịp thời những dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt để ổn định và phát triển.

Về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo

Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo chương trình chung quốc gia; xây dựng chính sách giáo dục ở tất cả các cấp học phù hợp với đặc thù dân tộc.

Phát triển trường mầm non, trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trường dự bị đại học; nghiên cứu hình thức đào tạo đa ngành bậc đại học cho con em các dân tộc thiểu số để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Quy định các điều kiện và biện pháp cụ thể, phù hợp để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; giải quyết chỗ ở, học bổng và cho vay vốn trong thời gian học tập phù hợp với ngành nghề đào tạo và địa bàn cư trú của sinh viên dân tộc thiểu số. Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học. Đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm từng vùng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế. Quy định việc hỗ trợ giáo viên giảng dạy tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số và giáo viên dạy tiếng dân tộc.

Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc.

 Chính quyền địa phương, nơi có con em dân tộc thiểu số thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng và sinh viên được cử đi học hệ cử tuyển, có trách nhiệm tiếp nhận và phân công công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp.      

Chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số  

Cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp. Ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số.

Đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số

Người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính sách bảo tồn và phát triển văn hoá

Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hoá truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật.

Xây dựng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng.

Đồng bào dân tộc thiểu số được ưu đãi, hưởng thụ văn hóa; hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số

Bảo tồn và phát triển các môn thể dục, thể thao truyền thống của các dân tộc. Đầu tư xây dựng và hỗ trợ các hoạt động thể dục, thể thao, xây dựng sân vận động, nhà thi đấu, trung tâm tập luyện thể dục thể thao ở vùng dân tộc thiểu số.

Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số

Tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái; hỗ trợ quảng bá, đa dạng hoá các loại hình, các sản phẩm du lịch, khai thác hợp lý các tiềm năng, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch.

Chính sách y tế, dân số

Đảm bảo đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng các dịch vụ y tế; thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật. Tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Bảo đảm nâng cao chất lượng dân số, phát triển dân số hợp lý của từng dân tộc theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hoá y tế, thực hiện chính sách ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động đầu tư, phát triển y tế ở vùng dân tộc thiểu số.

Về chính sách thông tin - truyền thông

 Đầu tư phát triển thông tin - truyền thông vùng dân tộc thiểu số, cung cấp một số phương tiện thiết yếu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận và hưởng thụ thông tin.

 Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin tình hình dân tộc và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về dân tộc; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thiên tai, lũ lụt ở vùng dân tộc thiểu số.

Áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng và tổ chức thực hiện trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc. Tăng cường và nâng cao chất lượng sử dụng ngôn ngữ dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý

Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật.

Chính quyền các cấp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng và địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

 Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái

Sử dụng, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, sinh thái vùng dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật. Bảo vệ, cải tạo và đảm bảo cho vùng có tài nguyên được đầu tư trở lại phù hợp. Tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào ở vùng có tài nguyên để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học.

Chính sách quốc phòng, an ninh

Xây dựng, củng cố, quốc phòng, an ninh ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và giữ vững trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.

Cơ quan nhà nước, đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới và hải đảo có trách nhiệm cùng các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương bảo vệ đường biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng ở vùng biên giới và hải đảo theo quy định của pháp luật…

Nguyễn Văn Phong