Ươm “mầm trăm năm” trên bản người Mông

10:02 AM 17/02/2011 |   Lượt xem: 2295 |   In bài viết | 

Chúng tôi đến Bắc Hà, Si Ma Cai – hai huyện miền núi của tỉnh Lào Cai vào những ngày cuối năm, trong không khí mùa đông lạnh đến tê người. Đường núi quanh co, khúc khuỷu, nhiều đoạn gập ghềnh khiến cả xe và người rệu rã. Khó khăn là thế, nhưng những thầy cô giáo – những người làm công tác giáo dục của vùng cao này vẫn hăng hái nhiệt tình, lăn xả với “sự nghiệp trồng người”. Con đường đến bản dù nhọc nhằn gian khó cũng không làm nản những bước chân và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và ngay cả những niềm hạnh phúc riêng tư nhất của cuộc đời họ cũng được dệt nên từ trên đỉnh núi cao.

Dư âm Bắc Hà

Chúng tôi đến Phân hiệu Chử Cái thuộc trường Tiểu học Na Hối II- Thị trấn Bắc Hà- tỉnh Lào Cai, trước sự ngỡ ngàng của giáo viên và các em học sinh. Những nữ giáo viên hai má đỏ bừng như bồ quân chín khi nói chuyện với chúng tôi, còn đám học trò nét mặt ngơ ngác vây quanh bên thềm lớp học.

Hỏi chuyện Lù Chử Thìn học sinh lớp 5, cậu bé ngập ngừng kể: “Nhà em ở trên núi, phải đi bộ đến trường. Nhà nghèo nên chúng em không đủ quần áo ấm để mặc, hàng ngày ăn cũng không được no. Nhà có 5 anh chị em, chị 14 tuổi phải đi bán phở thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, một chị nữa cũng không đi học hàng ngày lên núi chăn bò. Dưới em còn có 2 em nữa, bố mẹ chỉ cho con trai đi học, con gái phải ở nhà làm việc, khi nào đủ tuổi thì đi lấy chồng”.

Vội vã rót chén nước mời chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên phụ trách phân hiệu phân bua: “Học sinh ở đây 100% là người dân tộc thiểu số, vốn từ tiếng Kinh hạn chế, kể chuyện, đọc văn còn chậm. Là người đứng trên bục giảng chúng tôi chỉ mong học trò đến trường đều đặn, một buổi học chưa thông thì dạy thêm buổi nữa”.

Tại phân hiệu này có 19 học sinh ở xã Li Chu Phìn- địa bàn xa nhất (4 km) toàn dốc núi cheo leo. Hằng ngày các em đi bộ đến trường khi lá rừng còn ướt đẫm sương đêm, chân không dép, áo không đủ ấm, mặt mày lem luốc. Cô giáo đón học sinh vào lớp: rửa mặt, chải đầu. buổi trưa khi nắng lên, cô còn mang học trò ra suối tắm rửa, gội đầu. Thấy học sinh không có quần áo mặc, các cô đã về lấy quần áo của con mình, có cô đi xin quần áo cũ của hàng xóm mang đến lớp cho học sinh.

Chăm lo và yêu thương học trò hết lòng nhưng đường xá xa xôi, nhiều em nản lòng bỏ học, giáo viên lại tìm đến tận bản để trò chuyện với bố mẹ học sinh, vận động họ cho con em đến trường. Cô Hoa kể: “Có hôm lên đến bản, thấy học sinh nằm trên lưng trâu ngủ, mình phải cõng xuống trường cho ăn rồi đưa vào lớp. Học sinh của nhà trường được viện trợ quần áo đồng phục, các em mặc đến trường và mặc cả khi đi chăn trâu, cả tuần không tắm cũng chẳng giặt, các cô giáo thấy quần áo bẩn thì giặt. Học trò cũng như con mình, thương lắm nhưng điều kiện của mình có hạn chẳng giúp được gì nhiều cho các em!”

Cô giáo Lê Thị Huyền quê ở Sóc Sơn- Hà Nội từng gắn bó với Bắc Hà hơn 10 năm kể: Nhiều hôm mình về nhà nghe con bảo mẹ ơi hàng xóm đã ăn cơm tối rồi, mới biết lâu nay mình dành rất ít thời gian cho gia đình.  Dưới  xuôi, giáo viên được xem là nghề cao quý, nhàn hạ, còn ở nơi đây nhà giáo vừa là người dạy chữ, vừa là người làm công tác dân vận. Lặn lội đến từng thôn bản, trổ hết tài thuyết giáo bà con mới cho con em đến trường học chữ. Đổi lại, chúng tôi có được niềm vui nho nhỏ khi học trò đến trường, khi các em biết nhẩm tính con số và đọc lưu loát một bài thơ…

Phân hiệu này người có thâm niên cao nhất là 20 năm công tác, thu nhập cũng chỉ chừng hơn 2 triệu đồng/ tháng. Tưởng mức lương như thế ở miền núi đã là cao, nhưng ai đang ở Bắc Hà mới biết giá cả tăng chóng mặt: thịt tăng ba lần, gạo tăng hai lần, ngay cả rau cũng tăng từ 2 - 3 lần. Đến trường từ sáng sớm, tối mịt mới trở về nhà, vừa buông bát đũa là phải ngồi vào bàn soạn giáo án cho ngày mai. Thời gian dành để chăm chồng chăm con cũng thiếu, làm gì có thời gian đi làm thêm để tăng thu nhập. Thế nhưng các chị vẫn chẳng nửa lời than vãn, lặng lẽ dồn tâm dồn sức chăm chút cho thế hệ tương lai. 

Thầy giáo trên bản Mông

Đến trường Mầm non Thào Chư Phìn, điều ngạc nhiên nhất là toàn bộ giáo viên mầm non – sáu người ở trường chính đều là nam. Thầy giáo Giàng Seo Sì là người dân tộc Mông, sau chín năm đứng trên bục giảng trường tiểu học, được điều xuống làm “thầy nuôi dạy trẻ”. Chẳng hề tỏ vẻ “tâm tư” gì, thầy Sì vui vẻ với cương vị mới ấy.

Phụ trách lớp trẻ ba tuổi, chăm lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, coi chúng như con của mình, điều thầy Sì băn khoăn nhất là: Bữa ăn của các cháu còn thiếu thốn: chỉ vài quả trứng trưng với canh rau là chủ yếu. Bà con dân tộc còn nghèo, có gia đình còn mang ngô đến góp bữa trưa cho con, các thầy phải tự xoay sở để lo bữa ăn cho các cháu được tươm tất nhất.

Ngoài việc lo cho các con ăn, các thầy còn phải dạy các con nói tiếng phổ thông cho thạo. Tuy cùng là người dân tộc thiểu số nhưng ở lớp học thì không nói tiếng dân tộc mà phải nói tiếng phổ thông để rèn cho các con việc nghe, nói.

Trước đây thường chỉ có học sinh 4-5 tuổi đi học, nay nhờ có sự vận động của nhà trường, hội khuyến học, các gia đình đã nhận thức việc cho trẻ đến trường từ lúc ba tuổi đã giúp họ có nhiều thời gian lên nương rẫy mà không phải lo lắng chuyện chăm con, không những thế gia đình hoàn toàn yên tâm vì con cái họ được chăm lo chu đáo. 

Trường phổ thông cơ sở Thào Chư Phìn có cặp vợ chồng giáo viên trẻ Hoàng Tiến Hải – Lý Thị Hồng đều ở cách Si Ma Cai gần trăm cây số, nhưng họ cùng quyết tâm gắn bó với mảnh đất biên cương này, mong góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giáo dục nơi đây.

Thầy Hải kể: Trường học ở đây nghèo và thiếu thốn đủ thứ, học sinh cũng nghèo nhưng rất tình cảm, nhiều tối mình cùng học trò ngồi quây quần bên bếp lửa trò chuyện thân mật như người trong một nhà. Các em kể chuyện thôn bản, kể những ước mơ giản dị về một mùa ngô thóc đầy sân để nhà nào cũng ấm no vui vẻ.

Hoàng Tiến Hải sinh ra và lớn lên ở thị xã Cam Đường. Năm 2003, khi anh về công tác, trường mới có một nhà xây và một nhà gỗ, giáo viên phải tự làm lán để ở. Thấy học sinh không có giường ngủ, giáo viên nhà trường phải vào rừng lấy tre làm giát giường trải cho học sinh nằm đỡ lạnh.

Bây giờ ít khó khăn hơn vì nhà trường đã xây thêm được một ngôi nhà mới, dựng thêm hai nhà gỗ cho giáo viên ở, sân trường đã được đổ bê-tông, phòng giáo dục đã cho mượn máy phát điện nên những ngày mù sương học sinh vẫn có thể học và buổi tối thầy soạn giáo án, trò học bài cũng đỡ vất vả. Tuy nhiên con đường từ trường tới trung tâm huyện còn gập gềnh sỏi đá men theo những vách núi cheo leo vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở của những người thầy trên bản vùng cao này.

Thầy Hải tâm sự: Hồng vợ mình là người dân tộc Dao, quê ở Bảo Thắng. Thời gian đầu, hai vợ chồng chưa thực sự hoà hợp do phong tục tập quán và suy nghĩ của hai người còn khác biệt. Cùng với thời gian, bọn mình đã chia sẻ và cùng nhau vượt qua mọi trở ngại…

Chúng tôi thực sự ấn tượng khi gặp hai anh em thầy giáo Đặng Phương Đài và Đặng Phương Mai, hai hiệu trưởng ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai. Họ đã rời Phú Thọ lên đây lập nghiệp  hơn 10 năm trời, dành tất cả sức trẻ để chăm lo cho giáo dục vùng cao. Có năm, họ đã dành trọn 3 tháng hè cùng nhau ở lại trường cùng người dân nơi đây sửa sang trường lớp. Hai người còn tình nguyện góp 2,5 triệu đồng tiền lương vào quỹ xây dựng trường.

“Không về quê lại còn mang hết tiền lương đóng góp cho nhà trường vậy lấy tiền đâu mà sống?” Nghe hỏi thế thầy giáo Đặng Phương Đài cười bảo: “Những đóng góp của mình còn bé nhỏ và chẳng đáng kể gì  so với những việc mà bà con dân tộc vùng cao đang làm cho giáo dục: phá đá mở đường đến trường, góp thóc để nhà trường nuôi học sinh bán trú. Những giáo viên chúng tôi dù là người Kinh hay người dân tộc đều mong đóng góp chút công sức của mình vào sự nghiệp giáo dục của địa phương, mong mang kiến thức làm giàu cho bản làng vùng cao này.”

Dù cuộc sống của người dân vùng cao còn rất nhiều khó khăn, nhưng ở đây công tác xã hội hoá giáo dục được những người dân chăm lo như việc trong nhà mình. Họ gửi gắm niềm tin vào con em mình và hy vọng giáo dục sẽ mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho làng bản vùng cao, để cuộc sống không còn lạc hậu, đói nghèo.

Theo Hương Trần (Báo Nhân dân điện tử)