Nhọc nhằn ước mơ con chữ

04:58 AM 15/08/2011 |   Lượt xem: 2348 |   In bài viết | 

Nói là nơi trung tâm nhưng thực ra Trường nằm ngay trên bờ suối, một đầu cầu nối liền với bản, phía trước là núi và phía sau là rừng sâu.

Thầy Thào Seo Dùng (dân tộc Mông), Hiệu trưởng nhà Trường cùng các thầy cô trong Trường dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất của nhà Trường. Ngôi Trường còn nhiều khó khăn; lớp học tạm bợ chỉ bằng tranh tre nứa lá; thiết bị trường học còn thô sơ. Trường đặt cạnh suối nên cứ vào mùa hè, sau mỗi trận mưa, giáo viên nhà Trường và nhân dân phải dựng lại để lấy chỗ học cho các em.

Ông Hoàng Văn Pao (dân tộc Tày), Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: “Dân ở đây nghèo và sinh sống dải dác khắp nơi trên núi cao nên việc chăm lo đến học tập của các cháu vẫn còn ít lắm. UBND xã và các đoàn thể đã hết mình trong việc dựng trường, lớp tạo điều kiện tốt nhất cho thầy và trò dạy - học”.

Được biết, các em học sinh Trường THCS Tân Tiến là người Dao, Mông và Tày, chủ yếu sống ở trên núi cao cách trường hàng chục cây số. Vì ở xa, nên các em phải học bán trú. UBND xã và nhà trường đã kết hợp dựng khu nhà gỗ lợp lá cọ cho hơn 30 em học sinh ở xa về học. Một em học sinh cho biết: "Nhà em xa lắm, mãi trên Cán Chải cơ, đi bộ hai hôm mới tới". Trong phòng ở của các em, những tấm phản được ghép liền với nhau trên đó là những chiếc chăn đơn cùng những manh chiếu đã sờn, đó vừa là nơi học vừa là nơi ngủ của các em. Phía dưới một mái cọ được kéo lui ra bên ngoài là bếp ăn. Cũng có nồi, có bếp, có bát đũa nhưng đều rất đơn sơ. Bếp nấu chỉ là ba viên gạch dựng lên, nồi cơm nhỏ có thêm vài lát sắn chỉ đủ cho 3 em ăn cùng một nhóm. Thức ăn của các em không có gì ngoài măng đắng luộc, rau rớn, rau muống trồng bên bờ suối. Thầy Vinh, quản lý khu bán trú cho biết: khi khan hiếm thức ăn, các em chế biến món ăn là ớt nướng dầm với muối. Nhiều khi các thầy cô còn mua lạc, cá mắm cho các em.

Chứng kiến cảnh sống và học tập của các em học sinh Trường THCS Tân Tiến, chúng tôi càng thêm hiểu lòng ham học của các em. Thầy Việt, Hiệu phó nhà Trường cho chúng tôi biết: "Vất vả thế, xa gia đình là thế nhưng các em ham học lắm, không bỏ học buổi nào, học lại chăm chỉ và biết nghe lời". Nhà học sinh chủ yếu ở trên núi cao, có em cách trường tới 10 đến 20 km, giáp tận Bắc Hà nên việc xuống núi đi học quả là khó khăn. Cuối tuần về nhà, các em được cha mẹ chuẩn bị cho gạo, ngô, rau, lạc để ăn trong tuần. Tuy thế, hầu như các em vẫn còn thiếu thốn lắm.

Em Đặng Thị Sân, dân tộc Dao, học sinh lớp 9, một học sinh giỏi cấp huyện tâm sự: “Chúng em không sợ khó khăn mà chỉ ước mơ được đến trường học chữ, học để sau này thành người tốt và làm cán bộ cho bản”. Sân cũng cho biết, có nhiều bạn ở cách xa trường gần 20 cây số vẫn miệt mài xuống núi học chữ, nhà các bạn nghèo lắm.

Theo lời thầy Hiệu trưởng Thào Seo Dùng, sắp tới trường THCS của xã sẽ được xây dựng khang trang hơn, đầy đủ hơn, chỗ ở và điều kiện học tập của các em học sinh nơi đây sẽ tốt hơn. Đó cũng là một tin vui với thầy trò Trường THCS Tân Tiến.

Nguyễn Thế Lượng