Quyết liệt giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính

12:40 PM 06/10/2011 |   Lượt xem: 3009 |   In bài viết | 

Ngày 5/10, Bộ Y tế và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về mất cân bằng giới tính khi sinh với chủ đề: “Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì hội thảo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế bởi điều này có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với sự phát triển bền vững. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp đồng bộ và đột phá, tập trung giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt và có trọng điểm.

Phó Thủ tướng cho rằng, kiểm soát giới tính khi sinh cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tại 10 địa phương mất cân đối cao nhất. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức “trọng nam-khinh nữ” còn tồn tại trong một bộ phận người dân.

Mất cân bằng tỷ số giới tính, do tâm lý thích con trai cùng khả năng tiếp cận ngày càng dễ dàng với các kỹ thuật và công nghệ mới có khả năng lựa chọn giới tính, bắt đầu nở rộ vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Sau gần 30 năm, Việt Nam và một số quốc gia châu Á đã nhận thấy tác động nghiêm trọng của vấn đề này. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tỷ số giới tính khi sinh nằm trong khoảng 104-106 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, tỷ số này đang gia tăng nhanh chóng tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã xảy ra ở 5/6 vùng kinh tế xã hội và 45/63 tỉnh, thành phố. Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ mất cân bằng cao nhất, trung bình là 115 nam trên 100 nữ. Trong đó, đáng báo động là Hưng Yên (trên 130/100), Hải Dương (120/100), Hải Phòng (115/100), Bắc Ninh (119/100)...

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam có những đặc điểm khác biệt so với các quốc gia đã trải qua tình trạng này. Tỉ số mất cân bằng của nước ta cao ngay ở lần sinh thứ nhất (110,2/100) - khác với các nước chỉ cao ở những lần sinh tiếp theo - lần thứ hai là 109, lần thứ ba là 115,5.

Hơn nữa, tỉ số này đặc biệt cao ở những gia đình có kinh tế khá giả và có trình độ học vấn cao. Ở nhóm 20%  dân số nghèo nhất, tỷ số giới tính khi sinh là 105, trong khi ở 3 nhóm dân cư giàu nhất, tỉ số này là 112.

Nếu không có giải pháp quyết liệt để nhanh chóng đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức bình thường, trong khoảng 15 - 20 năm nữa, sẽ có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới Việt Nam không có khả năng lấy được vợ là người Việt Nam. Hệ lụy của vấn đề này rất khó lường, mà trực tiếp là phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng thêm tình trạng bạo lực giới và tình trạng mãi dâm, buôn bán phụ nữ.

Trong khuôn khổ diễn ra hội thảo, các đại biểu đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Armenia, Azerbaijan, Albania…sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến hay, những bài học quan trọng việc xây dựng chính sách để kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh.

Theo Chinhphu.vn

[TT: NTV]