Cần xây dựng chính sách nâng cao trình độ cán bộ cơ sở cho vùng Tây Nguyên

02:20 AM 03/07/2012 |   Lượt xem: 2054 |   In bài viết | 
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">

Sau 7 năm thực hiện Đề án 253, các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động, tích cực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án và đạt những kết quả thiết thực. Chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên được kiện toàn, củng cố; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từng bước nâng lên đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên có 13.361 cán bộ chuyên trách, công chức xã, phường, thị trấn, trong đó có 1.975 cán bộ nữ (chiếm 17,3%), công chức người dân tộc thiểu số 3.584 người (chiếm 26,8%).

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã quy hoạch trên 11.000 lượt cán bộ cơ sở, trong đó có 2.600 cán bộ là người dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện đúng quy trình, đúng số lượng, cân đối cơ cấu đảm bảo yêu cầu chất lượng, trình độ, năng lực đối với từng chức danh. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tăng cường 334 cán bộ từ tỉnh, huyện về cơ sở, trong đó, phần lớn cán bộ được tăng cường về giữ các chức vụ chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ xã chuyên trách xây dựng hệ thống chính trị ở những địa bàn trọng điểm.

Qua 7 năm thực hiện Đề án, các tỉnh trong vùng đã tổ chức đào tạo được 137 lớp cho các đối tượng là cán bộ, công chức cấp xã, trong đó có 11 lớp đại học, 126 lớp trung cấp chuyên môn, với trên 11.955 học viên, gồm các chuyên ngành như: luật, kinh tế phát triển, kinh tế nông- lâm, địa chính, kế toán... Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên đã đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác tại các vùng dân tộc.

Theo báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên và Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ năm 2003 đến năm 2010, các tỉnh trong vùng đã đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho 9.796 giáo viên, cán bộ, công chức theo học tiếng dân tộc Êđê, M’nông, Jrai, Bahna, Xê Đăng, Jẻ Triêng, K’ho, Chu Ru, Mạ. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở theo quy định của Nhà nước, trên 95% thôn, buôn, bon, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước, 95% xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” góp phần phát huy thuần phong mỹ tục tốt đẹp, hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực quản lý Nhà nước bằng pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên, 100% xã, phường, thị trấn đều có trụ sở làm việc, trong đó có trên 50% được xây dựng kiên cố.

Hội nghị cũng đã nêu lên một số kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên từ nay đến năm 2020, trong đó, đặc biệt nghiên cứu xây dựng các chính sách về củng cố, nâng cao trình độ cán bộ cơ sở cho vùng Tây Nguyên giai đoạn 2012 - 2020, nhất là cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đề nghị các bộ liên quan sớm trình Chính phủ tiếp tục đầu tư kinh phí để các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện xây dựng, sửa chữa trụ sở phù hợp, đảm bảo đủ phòng làm việc cho hệ thống chính trị cơ sở, tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, lập đề án điều chỉnh địa giới hành chính cho phù hợp đối với một số xã thuộc huyện nhằm thực hiện tốt chủ trương đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới ở vùng Tây Nguyên.../.

Theo TTXVN [TT: N.K.T]